Takt time là gì? Cách tính takt time & biện pháp tối ưu cho sản xuất
Takt time là thời gian nên dành ra (hoặc tốc độ sản xuất cần đạt) để hoàn thành một sản phẩm đủ nhanh và hợp lý so với kỳ vọng của khách hàng. Chỉ số takt time là một khái niệm cốt lõi của trường phái sản xuất tinh gọn, hỗ trợ tối ưu hóa năng suất trong tầm kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng sản xuất thiếu hoặc thừa hàng.
Thuật ngữ này bắt nguồn từ “takt” trong tiếng Đức, lược dịch theo ngữ cảnh là “nhịp độ”. Takt time lần đầu tiên được sử dụng vào thập niên 1930, ứng dụng làm tiêu chuẩn số liệu để phục vụ sản xuất máy bay tại Đức.
Cách tính takt time
Khác với những khái niệm như lead time, cycle time hay inventory turnover có thể tính thời gian thủ công bằng đồng hồ, takt time bắt buộc phải được tính bằng công thức:
Takt Time = Thời gian sản xuất khả dụng / Nhu cầu trung bình của khách hàng
Trong đó:
- Thời gian sản xuất khả dụng (Available Production Time): Tổng thời gian được xác định dành riêng cho hoạt động sản xuất trong một giai đoạn cụ thể.
- Nhu cầu trung bình của khách hàng (Average Customer Demand): Số lượng sản phẩm mà khách hàng yêu cầu trong cùng giai đoạn, thườngbiểu thị theo tỷ lệ năng suất (VD: số giờ/tuần, số cuộc gọi/giờ…)
Ví dụ về tính toán takt time
Giả sử tình huống về một công ty sản xuất máy in mực, với đặc điểm như sau:
- Thời gian làm việc: 5 ngày/tuần, 9h/ngày (đã kèm 1h nghỉ ăn trưa và 30 phút giải lao)
- Nhu cầu khách hàng: 10 máy/tuần
Theo dữ liệu trên, tổng thời gian sản xuất khả dụng của công ty trong 1 ngày đạt: 9 giờ – 1giờ – 30 phút = 7 giờ 30 phút (tức 450 phút). Tính theo tuần, tổng thời gian sản xuất khả dụng sẽ đạt 2250 phút.
Áp dụng công thức tính takt time mà công ty cần đáp ứng:
Takt time = 2250 / 10 = 225 phút = 3 giờ 45 phút
Như vậy, công ty cần đảm bảo tốc độ đạt 3 giờ 45 phút cho mỗi sản phẩm máy in hoàn thiện.
Lợi ích khi tối ưu sản xuất cùng takt time
Năng suất đáp ứng nhu cầu khách hàng
Kết quả tính takt time sẽ giúp các phòng ban sản xuất hiểu rõ tốc độ cần thiết để đạt mục tiêu sản lượng và làm hài lòng khách. Duy trì hiệu quả này một cách ổn định và lâu dài sẽ hạn chế rất tốt rủi ro sản xuất thừa hoặc thiếu chỉ tiêu so với thực tế.
Giảm lãng phí tài nguyên
Takt time đóng vai trò giúp đảm bảo hoạt động sản xuất tạo ra đúng lượng giá trị thành phẩm tương xứng với nhu cầu khách hàng, không thừa không thiếu. Qua đó, tình trạng dư thừa hàng tồn kho gây phát sinh chi phí và nguồn lực không cần thiết sẽ được triệt tiêu hiệu quả.
Tăng cường chất lượng
Khi hoạt động sản xuất được tối ưu theo takt time và tạo ra hiệu quả thực tế, tốc độ hoàn thiện đơn hàng sẽ được duy trì ổn định, giúp giảm tỷ lệ sự cố trì hoãn giao hàng, tăng chất lượng dịch vụ và mức độ hài lòng của khách.
Định hướng cải tiến
Số liệu tính toán takt time sẽ cung cấp một đích đến rõ ràng để phấn đấu hoàn thiện quy trình sản xuất. Từ đó, những hoạt động hỗ trợ liên kết cũng sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn, củng cố tinh thần cải tiến không ngừng nghỉ.
Thách thức & hạn chế của takt time
Giả định nhu cầu khách hàng
Công thức tính takt time dựa trên giả thuyết rằng nhu cầu khách hàng là ổn định và có thể dự đoán được. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng với thực tế và có thể gây phát sinh sự cố trong kiểm soát hiệu quả sản xuất, nhất là đối với ngành hàng có nhu cầu biến động tùy thời điểm và giai đoạn.
Giả định quy trình sản xuất nhất quán
Takt time cũng không tính đến sự biến đổi về tính chất quy trình sản xuất, gồm cả sự cố máy móc, nhân lực… vốn là những tình huống gần như không thể dự đoán trước. Nếu không có sẵn phương án xử lý dự phòng, doanh nghiệp có thể vướng vào hiện trạng sản xuất quá mức hoặc thiếu hụt công suất.
Biện pháp tối ưu và giảm takt time
Đo lường thời gian chu kỳ riêng biệt
Thời gian chu kỳ (cycle time) là thời lượng thực tế cần thiết để hoàn thành quy trình từ nguyên liệu thô đến thành phẩm. Vì đơn hàng của khách có thể bao gồm nhiều loại sản phẩm khác nhau với quy trình khác nhau, nên thời gian chu kỳ riêng biệt theo từng loại cần được ghi nhận cụ thể. Bằng cách này, doanh nghiệp có thể lên kế hoạch kỹ càng hơn, chuẩn bị nguồn lực cần thiết khi có sự điều chỉnh để cân bằng takt time theo từng thời điểm.
Loại bỏ thời gian thất thoát lãng phí
Sản xuất tinh gọn không chỉ chú trọng vào gia tăng giá trị thành phẩm, mà còn giá trị về tài nguyên thời gian sử dụng cho sản xuất. Trong đó, khoảng thời gian dành cho các hoạt động không trực tiếp tạo ra giá trị cho doanh nghiệp cần được hạn chế. Từ đó, thời gian chu kỳ của mỗi sản phẩm sẽ thấp hơn, giúp tối ưu takt time theo ngày/tuần và nhiều quy mô giai đoạn khác.
Tăng cường hiệu suất thiết bị tổng thể (OEE)
Chỉ số OEE đóng vai trò rất lớn đối với các hoạt động vận hành cũng như đánh giá và cải thiện quy trình chung. Thông qua đại lượng về tính khả dụng trong công thức OEE, doanh nghiệp có thể xem xét nguyên nhân dẫn đến thời gian lãng phí hoặc ngừng hoạt động, từ đó tối ưu takt time song song với các hoạt động phát triển OEE khác.