Lean Manufacturing – sản xuất tinh gọn là gì? (giải đáp tổng quan)
Lean manufacturing – sản xuất tinh gọn – là một mô hình hệ thống phương pháp quản lý sản xuất, giúp tập trung giảm thiểu lãng phí, đồng thời tối đa hóa năng suất, tiết kiệm chi phí vận hành và cải thiện chất lượng sản phẩm.
Phương pháp sản xuất tinh gọn được áp dụng bởi nhiều doanh nghiệp thành công, bao gồm các tập đoàn nổi tiếng thế giới như Toyota, Intel, Nike… Bên cạnh đó, mô hình này cũng phù hợp cho bất kì công ty nào có sử dụng hệ thống hoạch định tài nguyên doanh nghiệp (ERP).
5 nguyên tắc cốt lõi của sản xuất tinh gọn
Tài liệu nghiên cứu Lean Thinking: Banish Waste and Create Wealth in Your Corporation (Tư duy Tinh gọn: Loại bỏ Lãng phí và Thúc đẩy Lợi nhuận trong Doanh nghiệp – xuất bản năm 1996) đã đề ra 5 nguyên tắc tinh gọn. Những nguyên tắc này hiện được sử dụng làm cơ sở cho việc triển khai mô hình sản xuất tinh gọn tiêu biểu.
Xác định giá trị
Tất cả các hoạt động sản xuất đều hướng đến việc đáp ứng nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Do đó, việc xác định giá trị mà khách hàng mong muốn là vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp cần tìm cách loại bỏ các hoạt động không tạo ra giá trị cho khách hàng để giảm chi phí và tăng lợi nhuận.
Tạo lập chuỗi giá trị
Tạo lập chuỗi giá trị là bước để doanh nghiệp hình dung toàn bộ quá trình sản xuất, từ khâu đầu vào nguyên liệu đến khi sản phẩm đến tay khách hàng, giúp doanh nghiệp dễ dàng xác định các khâu gây ra lãng phí và tìm cách cải tiến.
Chuẩn hóa quy trình
Mục tiêu của chuẩn hóa quy trình là tạo ra một dòng chảy sản xuất suôn sẻ, trơn tru, không bị gián đoạn, giúp giảm thời gian chờ đợi, giảm tồn kho và tăng tốc độ giao hàng.
Thực hiện nguyên tắc sản xuất “kéo”
Thay vì sản xuất dựa trên dự báo, doanh nghiệp chỉ nên bắt đầu công việc mới khi có nhu cầu. Điều này giúp giảm thiểu tình trạng tồn kho quá nhiều hoặc quá ít, đồng thời tăng tính linh hoạt trong sản xuất.
Cải tiến liên tục (Kaizen)
Sản xuất tinh gọn là một quá trình cải tiến không ngừng. Doanh nghiệp cần luôn tìm cách cải thiện các quy trình, hướng đến mục tiêu hạn chế tác nhân gây lãng phí và nâng cao chất lượng sản phẩm.
8 loại lãng phí trong sản xuất
Trong công nghiệp sản xuất, lãng phí được coi là bất cứ thứ gì “không mang lại giá trị”, hoặc không giúp tăng tiềm năng lợi nhuận từ khách hàng. Dù bắt nguồn từ quy trình kém hiệu quả hay vật liệu không sử dụng được, tất cả đều trở thành gánh nặng gây cản trở năng suất.
Mô hình sản xuất tinh gọn được sinh ra để tập trung loại bỏ những lãng phí không cần thiết này, giảm thiểu tối đa hao hụt cho khách hàng.
8 loại lãng phí phổ biến trong sản xuất bao gồm:
Lãng phí vận chuyển
Loại lãng phí này xảy ra khi việc vận chuyển và giao hàng không tăng giá trị cho sản phẩm. Chẳng hạn, vận chuyển vật liệu không cần thiết gây tốn kém cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và phát sinh thêm chi phí về không gian, máy móc.
Lãng phí tồn kho
Các công ty có thể giữ một lượng hàng tồn kho dư thừa để đáp ứng nhu cầu đột xuất. Tuy nhiên, lượng hàng này có thể không đáp ứng chính xác nhu cầu của khách hàng, ngược lại còn làm tăng chi phí lưu trữ và khấu hao.
Lãng phí hành động
Loại lãng phí này bao gồm các hành động thực thi của nhân viên hoặc máy móc phức tạp bị kéo dài không cần thiết, làm tăng thời gian sản xuất, gây chậm tiến độ công việc chung.
Lãng phí thời gian
Đây là loại lãng phí dễ nhận biết nhất. Bất cứ khi nào quy trình sản xuất không được lưu thông và diễn ra trơn tru, tình trạng tắc nghẽn thời gian vô giá trị sẽ xảy ra. Ví dụ, hàng hóa đang chờ giao chưa kịp xử lý, thiết bị đang chờ sửa chữa, hoặc tài liệu đang chờ phê duyệt từ các cấp lãnh đạo.
Lãng phí gia công
Việc bổ sung gia công tiểu tiết thừa thãi so với cần thiết đôi khi không mang lại giá trị thực tế cho sản phẩm, trong khi nâng cao chi phí kinh doanh. Ví dụ, doanh nghiệp sản xuất ô tô quyết định đặt thêm linh kiện màn hình ở cốp xe không đem đến lợi ích chính đáng để phục vụ khách hàng, mà còn tăng áp lực vận hành sản xuất cho quy trình chung.
Lãng phí chất lượng
Thông thường sản phẩm lỗi sẽ không dùng được và yêu cầu sản xuất lại 1 sản phẩm khác để thay thế, làm tốn thời gian, phải khai thác thêm lao động và công cụ không cần thiết.
Lãng phí sản xuất
Hiện tượng lãng phí sản xuất có mối liên hệ mật thiết và ảnh hưởng lên gần như toàn bộ các loại lãng phí khác. Chẳng hạn, sản phẩm thừa do tính toán sai sản lượng cần thiết sẽ kéo theo vấn đề yêu cầu vận chuyển bổ sung, cắt bớt thời gian và nguồn lực sắp xếp ban đầu dành cho công việc khác…
Lãng phí nhân lực
Chưa khai thác triệt để nguồn nhân lực xảy ra khi nhân viên tham gia sản xuất thiếu hiệu quả, hoặc tài năng không được áp dụng để tăng giá trị cho quá trình sản xuất. Tạo dựng văn hóa khuyến khích sự tham gia, trao quyền và hợp tác của nhân viên là điều quan trọng để khai thác triệt để nguồn nhân lực.
Lợi ích của sản xuất tinh gọn
Giảm thiểu lãng phí
Các nguyên tắc sản xuất tinh gọn nhằm giảm thiểu mọi hình thức lãng phí trong sản xuất. Trong đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng phát hiện nguyên nhân của nhiều loại hình lãng phí và nhanh chóng khắc phục, chẳng hạn như lỗi vật liệu/sản phẩm, thời gian xử lý chậm,…
Sự gắn bó của nhân viên
Ứng dụng các phương pháp sản xuất tinh gọn yêu cầu sự chung tay đóng góp và tham gia từ toàn thể đội ngũ nhân viên. Họ là nguồn lực cốt cán phục vụ mục tiêu và tầm nhìn lâu dài của doanh nghiệp. Khi chứng kiến sự phát triển tích cực về thành tích và công nghệ quy trình, bản thân họ sẽ cảm thấy hài lòng hơn với vị thế công ty và môi trường làm việc hiện có.
Tăng lợi thế cạnh tranh
Sản xuất tinh gọn không chỉ giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả mà còn tạo ra một lợi thế cạnh tranh bền vững. Bằng cách liên tục cải tiến quy trình và đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu của khách hàng, doanh nghiệp có thể giành được thị phần và vượt trội so với đối thủ.
Nhược điểm của sản xuất tinh gọn
Khó chuẩn hóa quy trình
Một số chuyên gia đã nhận định rằng sản xuất tinh gọn có tính chất linh hoạt, biến đổi tùy thuộc vào tính chất và đặc thù của từng doanh nghiệp. Do đó, sẽ rất khó để tạo ra một mô hình sản xuất tinh gọn tiêu chuẩn, cho phép nhanh chóng nhân rộng và áp dụng vào nhiều bối cảnh khác nhau.
Chưa tối ưu cho chiến lược lâu dài
Các nguyên tắc của sản xuất tinh gọn thường tập trung tối ưu bối cảnh chiến lược hiện tại, cắt giảm các yếu tố không cần thiết. Tuy vậy, những yếu tố này có thể trở nên quan trọng đối với giai đoạn phát triển trong tương lai, về lâu dài sẽ khiến doanh nghiệp mất công tái chỉnh sửa kế hoạch vận hành.