MPS là gì trong sản xuất? Download mẫu MPS (lịch trình sản xuất tổng thể) cho doanh nghiệp
MPS – Master Production Schedule (lịch trình sản xuất tổng thể) là kế hoạch tổng quan giúp đánh giá và dự trù hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, gồm việc xác định sản phẩm mục tiêu, thời gian thực hiện, chi phí, và số lượng hàng dự tính.
Trong đó, số liệu cơ sở để xây dựng nên MPS sẽ được đồng bộ cùng hóa đơn nguyên vật liệu (BOM) và bản hoạch định nhu cầu nguyên liệu (MRP).
Một bản kế hoạch MPS sẽ không đi vào chi tiết cụ thể về từng hoạt động quản lý sản xuất, hay trách nhiệm được gán cho mỗi nhân sự. Thay vào đó, MPS sẽ đóng vai trò như một cầu nối thông tin giữa bộ phận tiếp thị kinh doanh và phòng ban sản xuất, giúp cân bằng khả năng cung-cầu theo các thời điểm nhất định.
Vai trò & chức năng của MPS
- Diễn giải chi tiết kế hoạch sản xuất: Quản lý nhu cầu nguyên liệu đầu vào, thiết bị và nhân lực cần thiết để cân bằng với sản lượng đầu ra trong thời hạn chỉ định.
- Dự trù phương án thay thế: Một lịch trình sản xuất tổng thể MPS sẽ phác thảo ra nhiều phương hướng khác nhau, chuẩn bị khả năng ứng phó với mọi rủi ro để chọn ra đáp án khả thi nhất.
- Hỗ trợ phối hợp nội bộ: Kết nối và đồng bộ thông tin kế hoạch giữa các phòng ban (sản xuất, kinh doanh, marketing…) để đơn hàng được xử lý trơn tru, ổn định.
Lợi ích của lịch trình sản xuất tổng thể MPS
- Tạo nền tảng vững chắc để xây dựng, củng cố và theo dõi hoạt động kinh doanh.
- Xác định rõ mục tiêu sản xuất và tình trạng tồn kho lý tưởng, ngăn ngừa rủi ro thiếu hụt hoặc quá tải sản lượng.
- Hoạch định nhu cầu chi phí dành cho nguyên liệu, vật tư cần thiết theo đúng dự tính.
- Tính toán sẵn nhu cầu nhân lực và phân bổ ca làm.
- Ngăn ngừa tình trạng mất cân bằng cung-cầu gây nghẽn quy trình sản xuất.
- Đảm bảo chất lượng đơn hàng và thời gian xuất xưởng đạt đúng kỳ vọng của khách.
Nhìn chung, MPS nên bám sát mục tiêu kế hoạch kinh doanh chung, được xây dựng và góp ý từ tất cả các ban bộ trong doanh nghiệp.
Chẳng hạn, nếu bộ phận marketing muốn thực hiện một chiến dịch tiếp thị kích cầu sản phẩm, thông tin này cần được cập nhật ngay lập tức vào lịch trình sản xuất tổng thể.
Mặt khác, nếu phòng sản xuất quyết định tạm thời ưu tiên gia tăng sản xuất mặt hàng A, dẫn đến việc giảm sản lượng trung bình của các dòng sản phẩm khác, họ cũng có trách nhiệm cập nhật tương tự vào MPS.
Nên xây dựng MPS cho loại hình sản xuất nào?
Thông thường, lịch trình sản xuất tổng thể MPS thường được áp dụng cho các kế hoạch sản xuất MTS (make-to-stock), nhưng không có nghĩa là không phù hợp với cả MTO (make-to-order), ATO (assemble-to-order), thậm chí cả sản xuất hàng loạt theo số lượng lớn. Chi tiết cụ thể:
Make-to-stock (MTS)
Đối với quy trình sản xuất để lưu kho make-to-stock, MPS được áp dụng để cân bằng sản lượng đầu ra phù hợp với nhu cầu đặt hàng dự kiến. Việc tính toán trước số lượng sản phẩm cần làm, doanh nghiệp sẽ tránh được tình trạng quá tải tồn kho, tối ưu không gian, ngân sách và nguyên vật liệu.
Make-to-order (MTO)
Đối với bối cảnh sản xuất theo đơn đặt hàng make-to-order, MPS sẽ đóng vai trò 2 chiều: Vừa dự trù nhu cầu sử dụng tài nguyên sản xuất hiệu quả, vừa đảm bảo hoàn thiện sản lượng kịp tiến độ cho khách hàng.
Assemble-to-order (ATO)
Các đơn lắp ráp theo đơn hàng assemble-to-order cũng phù hợp để áp dụng MPS, giúp kế hoạch và các mốc tiến độ thời gian được xác định rõ ràng trước khi tiến hành sản xuất.
Sản xuất theo lô (batch production)
Đối với các đơn hàng sản xuất theo lô cho cùng một loại sản phẩm, MPS hỗ trợ rất tốt trong việc dự trù khối lượng công việc và sắp xếp quy trình, giúp tối ưu hiệu suất và giảm thiểu các tác vụ nhỏ lẻ không cần thiết.
Sản xuất cá nhân hóa số lượng lớn (mass customization)
Có thể nói đây là sự kết hợp giữa cả MTS và MTO, thường xảy ra khi khách hàng đề xuất nhu cầu linh hoạt và tính chất đơn hàng không đồng nhất. Với MPS, doanh nghiệp có thể xác định rõ nguyên liệu cần chuẩn bị, sau đó phân bổ theo từng mục đích sản xuất cá nhân hóa cụ thể.
Kinh nghiệm vận hành MPS hiệu quả trong sản xuất
Cân đối cung và cầu
Đây vừa là lợi ích, vừa là bài học cần thiết khi thực thi lộ trình đặt ra theo MPS. Việc xác định chi tiết trong bản kế hoạch MPS có liên hệ mật thiết tới khả năng của doanh nghiệp, tránh tình trạng ép năng suất cao hoặc thấp hơn thực tế. Nếu không kiểm soát kỹ, chi phí vận hành có thể vượt mức dự tính, hoặc lợi nhuận bị giảm do phải giải quyết thêm những vấn đề phát sinh.
Định hình MPS theo mục tiêu doanh nghiệp
Một lịch trình sản xuất tổng thể cần được tinh chỉnh phù hợp với mục tiêu kinh doanh. Chẳng hạn, nếu công ty ưu tiên việc giảm thiểu ngân sách vận hành kho, MPS cần định hướng thời gian hoàn thành sản xuất hợp lý, không cần quá nhanh hoặc sớm. Hoặc nếu doanh nghiệp muốn nhấn mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, MPS sẽ phải bao hàm cả chi phí phát sinh cho khâu kiểm định và nhu cầu đẩy nhanh tiến độ xử lý giữa các phòng ban.
Chỉnh sửa & cập nhật kế hoạch thường xuyên
Nếu MPS được lập ra và chỉ để đó, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro khó lường trước. Các dữ liệu thời gian thực về doanh số, đơn hàng, tình trạng tồn kho, chuỗi cung ứng cần được ghi nhận và đối chiếu thường xuyên với tính thực tế của MPS – tần suất theo tuần sẽ là hợp lý.
Phối hợp nhịp nhàng các phòng ban
Không chỉ bộ phận sản xuất, các phòng kinh doanh, tài chính, marketing cũng đều cần nắm bắt thông tin từ MPS, giúp đảm bảo tiến độ, quy trình phối hợp nhuần nhuyễn và tăng hiệu suất chung.
Áp dụng công nghệ tương thích
Lập kế hoạch và làm theo thôi chưa đủ tối ưu. Nếu có thể, hãy tích hợp thêm hệ thống công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp như ERP/MRP/MES để tự động hóa các tiến trình nhỏ lẻ, thu thập dữ liệu real-time, giảm sai sót thủ công, tăng thời gian phản hồi.
Yếu tố cần có để xây dựng lịch trình sản xuất tổng thể MPS
Danh sách sản phẩm
Liệt kê tất cả những mẫu sản phẩm dự kiến sản xuất theo kế hoạch. Lọc thông tin sản phẩm theo mức độ ưu tiên hoặc phổ biến, giúp nhân sự dễ hình dung hơn khi rà soát thông tin.
Phân loại tính chất sản phẩm
Chia nhỏ mỗi sản phẩm theo các danh mục tính chất đặc trưng – chẳng hạn, đối với mặt hàng may mặc, doanh nghiệp có thể phân loại đặc tính theo kích cỡ, màu sắc…
Khung thời gian sản xuất
Đây là các mốc thời gian dự tính đặt ra từ khâu chuẩn bị cho tới sản xuất, nên chia thành tuần và tháng. Mục tiêu chính là xác định khối lượng công việc tương quan với thời hạn trước mắt, rồi sắp xếp mức độ ưu tiên định kỳ nếu cần thiết.
Sản lượng dự kiến
Danh mục này thể hiện số lượng sản phẩm được thống nhất sẽ sản xuất trong khung thời gian quy định, cách phân bố tỷ lệ dựa trên SKU hoặc phiên bản cụ thể trực thuộc từng mã sản phẩm tương ứng.
Cách xây dựng lịch trình sản xuất tổng thể MPS
Có rất nhiều phương pháp lập kế hoạch MPS – sau đây là tập hợp các bước phổ biến được nhiều chủ doanh nghiệp áp dụng (tùy chỉnh theo hiện trạng doanh nghiệp).
- Xác lập chỉ tiêu: Phòng ban sản xuất liên quan cần thống nhất chỉ tiêu sản lượng của đơn hàng và phương thức sản xuất.
- Dự trù nguyên vật liệu: Thống kê danh sách nguyên vật liệu cần thiết để truyền đạt cho bộ phận phụ trách chuỗi cung ứng.
- Xây dựng khung kế hoạch sơ bộ: Sau khi có đầy đủ thông tin chỉ tiêu và tình trạng chuỗi cung ứng, hãy phối hợp cùng các bộ phận liên quan để thiết lập sườn kế hoạch và mốc thời gian hoàn thành dự kiến.
- Tinh chỉnh & đánh giá: Tính toán chi phí và các số liệu khác một cách hợp lý mà không gây ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất, trải nghiệm chăm sóc khách hàng.
- Kết luận & thống nhất: Báo cáo tới toàn thể các ban bộ liên quan về kế hoạch MPS hoàn chỉnh.
- Cập nhật & đổi mới: Kể cả khi đã đi vào vận hành theo tiến độ đã đặt ra, mỗi doanh nghiệp vẫn cần chủ động xem xét lịch trình sản xuất tổng thể và đối chiếu theo từng thời điểm, nhằm đề xuất chỉnh sửa khi có bất kỳ yếu tố nào cần thay đổi.
[Download] Mẫu ví dụ MPS cho doanh nghiệp sản xuất
Để tiết kiệm thời gian, DxFAC đã chuẩn bị và tổng hợp sẵn một file lịch trình sản xuất tổng thể (MPS) để các chủ doanh nghiệp tham khảo. Quý độc giả vui lòng đăng ký thông tin theo mẫu bên dưới để nhận tài liệu. DxFAC xin chân thành cảm ơn!
Lưu ý: Đây chỉ là file ví dụ tổng quan, cần bổ sung các thông tin dữ liệu sâu sát theo hoạt động của từng doanh nghiệp để trở nên hoàn thiện.