Tổng quan về IQC – PQC – OQC – FQC: 4 loại hình kiểm soát chất lượng sản xuất
IQC là gì?
IQC – Input Quality Control – là kiểm soát chất lượng đầu vào, có vai trò giám sát và kiểm duyệt tiêu chuẩn của nguyên liệu và vật tư phục vụ sản xuất. Chỉ khi chất lượng đầu vào được thông qua, quy trình sản xuất mới có thể tiếp diễn, đảm bảo hiệu quả thành phẩm được duy trì ổn định, giảm thiểu rủi ro lỗi, cải thiện trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng.
Quy trình IQC cơ bản:
- Kiểm tra nguyên liệu, vật tư, hàng hóa nhập kho: Kết quả kiểm định các mặt hàng nhập kho sẽ được ghi nhận và báo cáo cụ thể cho cấp quản lý. Việc này vừa phục vụ lưu trữ thông tin để tra soát khi có nhu cầu, vừa cung cấp nền tảng vững chắc hơn để thúc đẩy chất lượng thành phẩm.
- Giám sát tình trạng hàng hóa trong quá trình lưu kho: Nguyên vật liệu chưa được sử dụng ngay và phải lưu kho một thời gian có thể trở nên hư hỏng do hao mòn tự nhiên hoặc sự cố ngoài ý muốn. Bộ phận QC vẫn cần theo dõi sát sao để đánh giá chất lượng và phát hiện lỗi cho tới khi chúng được đem vào quy trình sản xuất. Nếu tình huống sự cố xảy ra, nhân sự phụ trách cũng cần chủ động tìm hiểu nguyên nhân để phòng tránh, ngăn ngừa rủi ro tương tự xảy ra cho các hàng hóa khác hoặc trong những lần nhập kho tiếp theo.
- Kết luận & đánh giá: Ngoài việc ghi nhận quyết định từ cấp quản lý sản xuất, bộ phận QC phải kết hợp trao đổi với đối tác cung ứng nguồn hàng/nguyên vật liệu nếu có vấn đề phát sinh.
OQC là gì?
OQC – Output Quality Control – là kiểm soát chất lượng đầu ra. Không chỉ chịu trách nhiệm cho chất lượng thành phẩm cuối cùng, OQC còn kiểm định đầu ra theo từng khâu hoặc giai đoạn sản xuất, từ đó xác nhận trước khi tiếp tục chuyển giao sang khâu tiếp theo.
Tùy tính chất đối tượng được kiểm tra mà quy trình thực thi OQC có thể khác nhau, gán với những tiêu chuẩn hoặc thông số riêng biệt. Những thành phần không đạt yêu cầu sẽ bị loại bỏ hoặc đem tái chế cho chu kỳ sản xuất tiếp theo. Đồng thời, dữ liệu này cũng được ghi nhận lại để tổng hợp ra quyết định cải tiến nhằm hạn chế tỷ lệ lỗi về sau.
Thông thường, OQC đặc biệt quan trọng và được ưu tiên nhiều trong các ngành như dược phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Quy trình OQC cơ bản:
- Xây dựng tiêu chí đánh giá: Chất lượng thành phẩm phải được kiểm định theo các tiêu chuẩn cụ thể, dựa vào giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp muốn truyền đạt cho người dùng, kết hợp với tầm nhìn và quy định chung của ngành.
- Kiểm tra chất lượng: Mọi thành phẩm trực thuộc công đoạn sản xuất được chọn sẽ trải qua khâu đánh giá, ghi nhận chất lượng và báo cáo nếu có lỗi hư hỏng.
- Xử lý yêu cầu hoặc khiếu nại: Nếu vẫn có những thông tin trả về từ khách hàng về chất lượng sản phẩm sau khi xuất xưởng không được như ý, bộ phận OQC phải có trách nhiệm tiếp tục xử lý hỗ trợ, đồng thời điều tra nguyên nhân đằng sau để kịp thời xử lý từ gốc rễ trong quy trình sản xuất.
PQC là gì?
PQC – Process Quality Control – là nghĩa là kiểm soát chất lượng quy trình, có nhiệm vụ đảm bảo hoạt động sản xuất diễn ra trơn tru, suôn sẻ, đáp ứng đúng các tiêu chuẩn và quy định đặt ra. Nhân sự phụ trách PQC sẽ luôn phối hợp chặt chẽ với IQC và OQC để tổng hựp dữ liệu và đưa ra phương án xử lý tốt nhất trong mọi tình huống.
Phạm vi phổ biến để áp dụng PQC là các dây chuyền sản xuất.
Quy trình PQC cơ bản:
- Xây dựng khung tiêu chuẩn đánh giá: Một bộ khung tiêu chí kiểm tra cần được thiết lập, gồm những hạng mục cần thiết để đảm bảo chất lượng quy trình được duy trì ổn định, phù hợp với định hướng phát triển.
- Tiến hành kiểm định quy trình: Nhân viên QC (quality control) sẽ bắt tay vào kiểm tra các công đoạn sản xuất, sắp xếp theo lịch tổ chức định kỳ để sản phẩm luôn được chăm sóc ở mọi khâu hình thành và hoàn thiện.
- Báo cáo & phản hồi: Nếu nguyên vật liệu có dấu hiệu không đạt chuẩn, nhân sự cần kết hợp với các tiêu chuẩn IQC để đánh giá và trao đổi vấn đề, từ đó chỉnh sửa quy trình sản xuất.
- Phân công khắc phục lỗi: Khi vấn đề đã được xác định kèm theo trách nhiệm của nhân sự liên quan, bộ phận QC cần tổng hợp lại mọi thành phần/nguyên liệu bị lỗi, liên hệ tới người phụ trách để thống nhất quyết định xử lý tiếp theo.
FQC là gì?
FQC – Final Quality Control – là kiểm soát chất lượng cuối, phụ trách kiểm tra thành phẩm ra lò từ quy trình sản xuất có đạt đủ yêu cầu và tiêu chí như kỳ vọng hay không, trước khi chính thức lưu kho hoặc đóng hàng vận chuyển.
Cùng liên quan đến kiểm tra kết quả của một quy trình, nhưng FQC chỉ tập trung vào thành phẩm cuối, còn OQC có thể kiểm soát cả đầu ra của từng công đoạn nhỏ lẻ.
Trên thực tế, không phải tất cả mọi doanh nghiệp đều thiết lập quy trình hoặc nhân sự phụ trách FQC. Thay vào đó, họ thường triển khai thực thi kết hợp IQC, OQC và PQC chặt chẽ là đủ đáp ứng hiệu quả kiểm soát chất lượng sản xuất.
Quy trình FQC cơ bản:
- Xác định số lượng mẫu kiểm định: FQC chỉ lựa chọn một phần thuộc toàn bộ sản lượng thành phẩm để kiểm tra, dựa vào lý thuyết từ bảng tiêu chuẩn đo lường giới hạn chất lượng có thể chấp nhận (AQL). Từ đó, số lượng nhất định các mẫu sản phẩm ngẫu nhiên sẽ được lấy ra phục vụ khâu đánh giá.
- Tiến hành kiểm tra: Các sản phẩm hoàn thiện được chọn sẽ trải qua nhiều công đoạn kiểm định tỉ mỉ, từ lỗi thiết kế tới sai lệch về thông số hay tính năng.
- Tổng hợp & đánh giá kết quả: Số liệu nhận được từ khâu kiểm định sẽ được đối chiếu với bảng tiêu chuẩn AQL, xác định xem lô hàng này có đủ điều kiện để được chấp nhận xuất kho, hay cần loại bỏ hoặc giữ lại cải tiến và sửa chữa.