Giải nghĩa 34 thuật ngữ về chuyển đổi số & nhà máy thông minh

Application Programming Interface (API) – Giao thức lập trình ứng dụng 

Tập hợp các tiêu chuẩn câu lệnh và giao thức giúp các hệ thống phần mềm kết nối và giao tiếp với nhau, giúp tăng khả năng tương tác giữa nhiều thiết bị trong cùng hệ thống nhà máy thông minh. 

Artificial Intelligence (AI) – Trí tuệ nhân tạo 

Phần mềm máy tính vận hành bởi thuật toán thông minh, có khả năng thực thi tác vụ mang tính chất mô phỏng trí thông minh con người, chẳng hạn: nhận diện hình ảnh, nhận diện giọng nói, ra quyết định chủ động,… Trí tuệ nhân tạo có thể cải tiến kết quả nhờ học hỏi từ lịch sử dữ liệu trước đó, hoặc do con người hỗ trợ.

Big Data – Dữ liệu lớn 

Tổng kho lưu trữ thông tin dữ liệu từ nhiều thiết bị, hệ thống hoặc quy trình, thường được tận dụng để phân tích, tính toán và rút ra kết luận về xu hướng, hoặc các mối liên hệ mật thiết giữa các trường dữ liệu đầu vào và ra.

Bill of Materials (BOM) – Định mức nguyên vật liệu 

Định mức nguyên vật liệu là danh sách tổng thể các nguyên liệu, thành phần, công cụ và linh kiện cần thiết để xây dựng và sản xuất nên một sản phẩm hoàn chỉnh.

Batch Management System (BMS) – Hệ thống quản lý phân nhóm 

BMS là hệ thống giúp doanh nghiệp theo dõi và quản lý từng nhóm nguyên vật liệu hoặc sản phẩm, có thể áp dụng cho kiểm kê hàng hóa, giám sát vận hành, và cải thiện chất lượng thành phẩm. Giải pháp BMS thường đóng vai trò lớn trong các ngành ưu tiên chuyên môn kiểm định chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Cloud Computing – Điện toán đám mây

Công nghệ phần cứng hoặc phần mềm giúp truy cập, lưu trữ và xử lý dữ liệu điện toán từ xa, thông qua kết nối Internet và chia sẻ dữ liệu giữa nhiều thiết bị. Khả năng lưu trữ và xử lý dữ liệu tỷ lệ thuận với nền tảng sức mạnh của server.

Computerized Maintenance Management Systems (CMMS) – Hệ thống quản lý bảo trì 

CMMS là giải pháp phần mềm có vai trò hỗ trợ quản lý thông tin tài sản, thiết bị, vật tư, máy móc trong doanh nghiệp, đặc biệt là ngành sản xuất. 

Hệ thống cho phép người điều khiển thu thập và phân tích dữ liệu hoạt động của từng thiết bị, có thể bao gồm nhiệt độ, độ rung lắc… và kiểm kê ngưỡng rủi ro sự cố. Từ đó theo dõi tình trạng, xét duyệt yêu cầu sửa chữa, lên kế hoạch bảo trì bảo dưỡng nếu cần thiết, phòng ngừa tình huống trục trặc thiết bị gây gián đoạn dây chuyền sản xuất.

Data Analytics – Phân tích dữ liệu 

Data analytics là công việc phân tích, chọn lọc và phân nhóm dữ liệu thô để biến thành thông tin có ích trong việc lý giải, kết luận hoặc giải quyết vấn đề. 

Cụ thể, chuyên môn này gồm thu thập và sắp xếp dữ liệu, tìm kiếm cơ sở xu hướng mẫu và trực quan hóa. Thông tin rút ra có thể được dùng để tối ưu quy trình hoặc thực thi chiến lược hợp lý. 

Distributed Control System (DCS) – Hệ thống điều khiển phân tán 

DCS là tập hợp gồm nhiều bộ điều khiển đặt phân tán trên toàn hệ thống của một quy trình hoặc dây chuyền sản xuất. Mỗi hệ thống phân cấp có thể được kiểm soát bởi một hoặc nhiều bộ điều khiển khác nhau.

Enterprise Resource Planning (ERP) – Hoạch định tài nguyên doanh nghiệp 

ERP là phần mềm giúp quản lý và cải thiện cách vận hành tài nguyên nội bộ trong doanh nghiệp, liên quan mật thiết từ hoạt động dây chuyền sản xuất tới quản lý nguyên vật liệu và đơn đặt hàng, chưa kể tác dụng hỗ trợ tự động hóa quy trình, áp dụng được cho cả các phòng ban về tài chính, nhân sự, dịch vụ…

Đọc thêm: ERP là gì? Cách chọn phần mềm ERP phù hợp cho doanh nghiệp

Enterprise Quality Management System (EQMS) – Hệ thống quản lý chất lượng doanh nghiệp 

EQMS là phần mềm giúp tích hợp và quản trị toàn bộ các quy trình liên quan tới kiểm định chất lượng. Nền tảng EQMS trích xuất dữ liệu chất lượng thành phẩm từ nhiều hệ thống khác trực thuộc trong chuỗi thu thập thông tin.

Human-Machine Interface (HMI) – Giao diện người-máy 

HMI là một màn hình giao diện giúp hiển thị thông tin, hỗ trợ con người tương tác điều khiển máy móc một cách trực quan và hiệu quả. HMI thường hoạt động tích hợp cùng phần mềm, kết nối với PLC của thiết bị để lập trình chuỗi xử lý, tạo thành một hệ thống vận hành kiểm soát máy móc.

Internet Of Things (IoT) – Internet vạn vật 

IoT là hệ thống kết nối Internet dành cho tập hợp mạng lưới thiết bị thông minh tích hợp cảm biến, cho phép chúng ghi nhận, đồng bộ và trao đổi dữ liệu trên cùng nền tảng đám mây hoặc riêng lẻ lẫn nhau. 

Industrial Internet of Things (IIoT) – Internet vạn vật công nghiệp 

Phạm vi ý nghĩa của IIoT bao hàm rộng hơn IoT (Internet of Things). 

Cụ thể, hệ thống IoT thường được dành cho mục đích tự động hóa nhà ở, trường học, cửa hàng. Mặt khác, IIoT lại được phát triển và ứng dụng riêng cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp, kết nối giữa số lượng lớn các máy móc thiết bị trực thuộc nhà máy. Dữ liệu từ mạng lưới khép kín này có thể được tận dụng để nghiên cứu, phân tích và rút ra các phương án cải tiến quy trình kinh doanh sản xuất.

ISA-95 

ISA-95 là tiêu chuẩn mẫu quốc tế cho việc tích hợp các phần mềm quản trị và điều hành hệ thống trong doanh nghiệp sản xuất, giúp chuẩn hóa các mô hình và điều khiển/liên kết thông tin giữa nhiều bộ phận chức năng tự động hóa sản xuất.

Manufacturing Execution Systems (MES) – Hệ thống điều hành sản xuất

MES là ứng dụng giúp quản lý, theo dõi và kiểm soát kết quả chuỗi quy trình, từ khâu nguyên liệu vật tư đầu vào cho tới nguồn lực con người và thành phẩm đầu ra. Hệ thống này hoạt động như một trung tâm xử lý thông tin đa nguồn, giúp chủ doanh nghiệp nắm rõ hiện trạng quy trình theo thời gian thực, có một cái nhìn toàn diện hơn về chiến lược lâu dài. 

Vai trò thường thấy của MES là cầu nối giữa các hệ thống ERP (Enterprise Resources Planning), SCADA (Supervisory Control and Data Acquisition) và một số ứng dụng quản lý tích hợp khác.

Manufacturing Operations Management (MOM) – Quản lý vận hành sản xuất 

MOM là khái niệm có nhiều điểm chung hoặc bao phủ rộng ý nghĩa rộng hơn MES, có thể sử dụng thay thế lẫn nhau tùy bối cảnh. Tuy nhiên, MOM thường được dùng khi nói tới các thành phần chức năng trực thuộc bộ máy quản lý sản xuất, còn MES lại thiên về đại diện cho tên gọi của một ứng dụng hệ thống. 

Cụ thể, MOM tập trung vào công việc giám sát và tối ưu hóa quy trình sản xuất, với mục tiêu tạo ra sản phẩm chất lượng một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất trong giới hạn chi phí phải chăng.

Material Requirements Planning (MRP) – Hoạch định nhu cầu nguyên vật liệu 

MRP là một phương pháp hoặc quy trình quản lý nguyên vật liệu cần thiết cho nhu cầu sản xuất và hoàn thành đơn hàng. Nhờ MRP, doanh nghiệp có thể dự trù kế hoạch tính toán nhu cầu nguyên vật liệu lâu dài dựa trên tính toán về năng suất hiện có, từ đó cân bằng hiệu quả sản xuất và tình trạng tồn kho.

Đọc thêm: Hệ thống MRP là gì? Tham khảo mẫu MRP case study hoàn chỉnh

Mean Time Between Failures (MTBF) – Thời gian trung bình giữa các sự cố 

MTBF là một chỉ số đo lường khoảng thời gian trung bình giữa các lần xảy ra sự cố trục trặc của thiết bị máy móc. Kết quả MTBF đại diện cho độ ổn định của thiết bị, tức MTBF càng cao đồng nghĩa với việc hiệu suất hệ thống càng đáng tin cậy, ít gặp lỗi trong khoảng thời gian dài. 

Công thức MTBF chỉ áp dụng khi quyết định bảo trì ngoài kế hoạch ban đầu, không tính đến thời gian ngừng hoạt động theo lịch trình chủ ý. 

Mean Time to Repair (MTTR) – Thời gian sửa chữa trung bình  

MTTR là lượng thời gian trung bình dành cho các tác vụ kiểm tra, sửa chữa và khôi phục các phần thiết bị bị lỗi, được tính kể từ thời điểm bắt đầu quá trình thao tác sửa, bảo trì bảo dưỡng, kết thúc khi thiết bị hoạt động bình thường trở lại. 

Khác với MTBF, chỉ số MTTR lại được các doanh nghiệp mong muốn giảm thiểu xuống mức càng thấp càng tốt. Thời gian sửa chữa máy móc càng nhanh, chi phí phát sinh về công thợ và gián đoạn dây chuyền sản xuất càng được tối ưu.

Manufacturing Process Management (MPM) – Quản lý quy trình sản xuất 

MPM là giải pháp hệ thống giúp tổ chức theo dõi và quản lý các quy trình sản xuất từ đầu tới cuối, xuyên suốt từ khâu thiết kế đến sản xuất thực tế. Ứng dụng sẽ cung cấp các công cụ thiết kế và tối ưu hóa quy trình, giám sát thời gian thực các hoạt động sản xuất, và phân tích dữ liệu để cải thiện hiệu suất và chất lượng sản phẩm. 

Overall Equipment Effectiveness (OEE) – Hiệu suất thiết bị tổng thể 

OEE là tiêu chuẩn đánh giá năng suất của thiết bị và hiệu quả vận hành trong hệ thống sản xuất. 

Khi thống kê chính xác, OEE có thể chỉ ra những vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng thiết bị, xác định tỷ lệ thời gian sản xuất thực sự hiệu quả, đồng thời đại diện cho chỉ số cần đạt để khắc phục vấn đề, giúp doanh nghiệp phát triển và cải tiến không ngừng. 

Có 3 yếu tố chính dùng để tính toán hiệu quả của một thiết bị: thời gian, chất lượng, tốc độ vận hành. OEE đạt 100% đồng nghĩa với việc thiết bị này đạt hiệu quả sản xuất hoàn hảo, không có thời gian chết, hoạt động sản xuất nhịp nhàng và nhanh chóng, sản phẩm chất lượng cao.  

Original Equipment Manufacturer (OEM) – Nhà sản xuất phụ tùng gốc 

OEM là một doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng các sản phẩm, bộ phận và thiết bị gốc theo thiết kế yêu cầu của đối tác. Nói cách khác, công ty OEM thường chỉ hợp tác với thương hiệu khác, ít khi trực tiếp bán sản phẩm của mình tới người dùng cá nhân trên thị trường. 

Product Lifecycle Management (PLM) – Quản lý vòng đời sản phẩm 

PLM là hệ thống quản lý, lưu trữ toàn bộ dữ liệu về vòng đời của một sản phẩm, từ khâu lên ý tưởng sơ bộ tới thiết kế nguyên mẫu và thời điểm chấm dứt lưu hành trên thị trường. 

PLM cho phép các đơn vị trong doanh nghiệp – bao gồm các bộ phận sản xuất và tiếp thị kinh doanh – tổng hợp và chia sẻ thông tin về các giai đoạn vòng đời sản phẩm, giúp hoàn thiện quy trình phát triển sản phẩm tương lai.

Production Planning Management System (PPMS) – Hệ thống quản lý kế hoạch sản xuất 

PPMS là giải pháp quản trị sản xuất tiên tiến có khả năng lên kế hoạch, tối ưu hóa quy trình dựa trên điều kiện đơn hàng, nhu cầu sản xuất và năng lực thực tế. 

Hệ thống có thể nhanh chóng phân tích nguồn lực (con người, máy móc, nguyên vật liệu), tính toán và xác định các điểm nghẽn trong quy trình, từ đó đưa ra kế hoạch trực quan, đồng bộ quản lý xuyên suốt và báo cáo hiệu quả.

Predictive Maintenance (PdM) – Bảo trì dự đoán 

Predictive Maintenance (PdM) là phương pháp sử dụng các công cụ và kỹ thuật phân tích dữ liệu tân tiến nhằm dự đoán rủi ro theo tình trạng sai số bất thường của trang thiết bị và máy móc. Từ đó, doanh nghiệp sẽ kịp thời phân bổ nguồn lực, chuẩn bị phương án bảo trì chủ động, ngăn ngừa viễn cảnh sự cố xảy ra, tối ưu hiệu quả quản lý sửa chữa để đạt năng suất lý tưởng. 

Các dữ liệu đầu vào cho phương pháp bảo trì dự đoán chủ yếu đến từ máy móc hoặc hệ thống ERP, tổng hợp cùng kinh nghiệm thực tế và lịch sử vận hành thiết bị sản xuất của doanh nghiệp. 

Preventive Maintenance – Bảo trì phòng ngừa  

Preventive Maintenance là phương pháp bảo trì, bảo dưỡng, kiểm tra và sửa chữa được thực hiện định kỳ cho thiết bị máy móc, nhằm duy trì hoạt động ổn định, giảm nguy cơ sự cố ngưng trệ gây tổn thất cho hiệu suất chung. Đây là cách thức được áp dụng phổ biến tại các nhà máy và doanh nghiệp sản xuất. 

Process Control System (PCS) – Hệ thống kiểm soát quy trình 

PCS thu thập dữ liệu từ cảm biến thiết bị hoặc câu lệnh thủ công, kết hợp cùng mã lập trình sẵn trên hệ thống để tự động phản hồi, quản lý và điều hành quy trình sản xuất theo thời gian thực nhằm tăng cường hiệu suất và giảm thiểu sai sót. Đây là một mắt xích quan trọng trong hệ thống sản xuất tự động hóa thông minh. 

Programmable Logic Controller (PLC) – Bộ điều khiển logic lập trình 

PLC là bộ thiết bị điều khiển tích hợp vi xử lý máy tính, sử dụng phổ biến trong các chuỗi hệ thống tự động hóa sản xuất, cho phép người dùng lập trình và tùy biến thuật toán cho một trình tự các sự kiện. Mỗi mốc sự kiện sẽ được kích hoạt bởi dữ liệu đầu vào, từ đó thực thi quyết định điều khiển hệ thống phù hợp. 

Product Data Management (PDM) – Quản lý dữ liệu sản phẩm 

PDM là giải pháp số hóa nhằm lưu trữ và quản lý dữ liệu sản phẩm chuyên sâu cho doanh nghiệp. 

Không cần dùng tới các ứng dụng riêng lẻ, PDM sẽ tích hợp dữ liệu từ nhiều phần mềm thiết kế và tạo dựng file lên hệ thống quản trị. Từ đó, các định dạng tệp tin khác nhau như soạn thảo Microsoft hay tài liệu thiết kế kỹ thuật CAD/CAM đều có thể được xử lý và truy xuất dễ dàng, giúp tối ưu thời gian và hiệu suất sáng tạo đổi mới sản phẩm cũng như quy trình kỹ thuật. 

Supervisory Control and Data Acquisition (SCADA) – Hệ thống kiểm tra giám sát & thu thập dữ liệu 

SCADA là tập hợp các ứng dụng phần mềm và phần cứng công nghiệp cho phép cấu hình tùy biến, nhằm hỗ trợ quản lý và điều khiển quy trình sản xuất từ xa, thu thập và xử lý dữ liệu thời gian thực, tương tác với thiết bị trong hệ thống. 

Một cấu trúc hoàn chỉnh của hệ thống SCADA thường gồm: 

  • Bộ điều khiển logic lập trình (PLC) và Thiết bị đầu cuối từ xa (RTU) 
  • OPC (OLE cho điều khiển quá trình) 
  • Hệ thống giám sát và cảnh báo 
  • Hệ thống thu thập dữ liệu

Standard Operating Procedure (SOP) – Quy trình thao tác chuẩn 

SOP là tập hợp các quy trình chuyên môn tiêu chuẩn của doanh nghiệp, được hệ thống hóa để toàn bộ nhân viên tuân thủ và áp dụng. 

SOP cũng có lợi ích lớn trong việc hướng dẫn và đào tạo nhân viên mới, từ đó tiết kiệm thời gian và chi phí chung, nhanh chóng cân bằng hiệu suất, nhịp độ và chất lượng công việc của từng người. 

Total Productive Maintenance (TPM) – Bảo trì năng suất toàn diện 

TPM là hệ thống đóng vai trò quản lý, bảo trì trang thiết bị, và gia tăng năng lực của nhân viên cũng như quy trình sản xuất trong môi trường công nghiệp.  

Khi áp dụng triển khai TPM, doanh nghiệp thường đặt mục tiêu tối ưu hóa hiệu suất và thời gian hoạt động của máy móc và thiết bị, tập trung vào nhiệm vụ sản xuất tinh gọn, duy trì tình trạng hoạt động ổn định, phòng tránh sự cố trục trặc trong quy trình cốt lõi.  

Warehouse Management System (WMS) – Hệ thống quản lý kho hàng 

WMS là hệ thống máy tính giúp hỗ trợ quản lý kho hàng cho doanh nghiệp, gồm theo dõi, kiểm soát hàng nhập/xuất kho, số lượng hàng tồn… Ngoài ra, WMS còn có thể tự động hóa các quy trình điều phối ban bộ liên quan, liên tục giám sát và cập nhật dữ liệu chuỗi cung ứng để tổng hợp nên cái nhìn tổng quát về hoạt động kho hàng.