6 xu hướng chuyển đổi số bền vững & thịnh hành cho doanh nghiệp
Dù đã qua ngót nghét 5 năm nhưng dịch bệnh Covid-19 quả thực để lại rất nhiều ảnh hưởng mạnh mẽ lên nhịp sống toàn cầu. Bên cạnh những đau thương cũng vụt lên nhiều điểm sáng tích cực về sự phát triển của xã hội, trong đó có trào lưu chuyển đổi số ở quy mô rộng rãi hơn bao giờ hết.
Tới nay, chú trọng vào công cuộc chuyển đổi số chưa bao giờ được coi là quyết định sai lầm, đặc biệt đối với cấp doanh nghiệp. Theo nghiên cứu từ Statista, lượng tiền đầu tư dành cho các công nghệ và dịch vụ số hóa trên toàn cầu vẫn tăng mạnh và đều hàng năm, dự kiến đạt 3,4 nghìn tỷ USD vào năm 2026.
Sau đây là 6 xu hướng chuyển đổi số vẫn đang cực kỳ hot, được tin tưởng và củng cố bởi nhiều tổ chức danh tiếng hàng đầu thế giới.
1. Tự động hóa toàn diện
Trước đại dịch, phần lớn các công ty đều lưỡng lự không tích hợp ngay các ứng dụng giúp tự động hóa quy trình, trải dài ở tất cả các ngành và lĩnh vực. Nguyên nhân lớn nhất lúc bấy giờ là sự thiếu tin tưởng vào công nghệ, cho rằng nền tảng khi đó chưa đủ khả năng tạo ra kết quả chính xác như kỳ vọng.
Tuy vậy, tình thế đã thay đổi hoàn toàn sau khoảng thời gian năm 2019-2020. Hiện nay, thế giới đang ở giai đoạn chạy đà, chuẩn bị cho một cuộc cách mạng chuyển đổi số. Theo thống kê từ McKinsey, có tới 70% các doanh nghiệp và tổ chức đang thử nghiệm các giải pháp tự động hóa trong một hoặc nhiều phòng ban. Lợi ích ưu tiên trước mắt là tiết kiệm thời gian, giúp vận hành đội ngũ và tối ưu nguồn lực tốt hơn cho các nhiệm vụ mang tính chiến lược.
Nếu triển khai chuẩn chỉnh, ứng dụng tự động hóa có thể xóa bỏ gần như hoàn toàn rủi ro sai sót của con người, vốn là thách thức rất lớn với các tác vụ mang tính chất nhập liệu hoặc lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào tác vụ thủ công.
2. Thu thập & xử lý dữ liệu
Hàng loạt doanh nghiệp đã và đang thu thập dữ liệu về quy trình và công việc, nhưng không phải ai cũng biết tận dụng dữ liệu đó ra sao. Thậm chí, hầu hết các tổ chức còn không biết phải làm gì tiếp theo, chưa nói tới việc làm đúng hay sai.
Với sự dịch chuyển mạnh mẽ của ngành khoa học dữ liệu, rất nhiều công cụ hữu ích đã được tạo ra để giúp hệ thống hóa thông tin, trở thành giải pháp phân tích và tối ưu mục đích của dữ liệu sẵn có.
Chẳng hạn, nếu bạn là chủ một công ty chuyên bán sản phẩm vật lý, hãy thử đào sâu về từng thông số đơn hàng để xác định thái độ phản hồi của từng tệp khách hàng dựa trên phân khúc hoặc tính năng, từ đó chỉ ra ưu tiên cần thiết để cải tiến thế hệ sản phẩm tiếp theo. Đây là một trong những cách phát triển kinh doanh dựa vào phân tích dữ liệu thuần túy, dễ hiểu đối với bất kỳ ai.
3. Tích hợp công nghệ điện toán đám mây
Không còn ít ỏi như 5 năm về trước, số lượng các giải pháp điện toán đám mây trên thị trường hiện tại đã tăng trưởng phi mã. Theo ước tính vào năm 2021, doanh thu từ ngành dịch vụ điện toán đám mây đã chạm ngưỡng 400 tỷ USD, tới nay vẫn chưa hề có dấu hiệu chững lại.
Vai trò lớn nhất của công nghệ đám mây là cải tiến mô hình kinh doanh tinh gọn hơn, trở thành mắt xích không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp. Các phần mềm đám mây giúp toàn bộ quy trình quản lý và điều hành trở nên nhất quán. Theo điều tra, có tới 82% các công ty đồng ý về lợi ích tiết kiệm chi phí vận hành sau khi tích hợp công nghệ này.
4. Tích hợp AI và Machine Learning
Ảnh hưởng của công nghệ trí tuệ nhân tạo trong ngành sản xuất đang dần trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết. Theo một báo cáo từ Accenture, hiệu suất tổng thể của các doanh nghiệp sản xuất sẽ tăng thêm 40% vào năm 2035, nếu phổ biến và áp dụng AI thành công.
Tuy nhiên, điểm trừ hiện nay là tinh thần quyết đoán của các lãnh đạo doanh nghiệp: Trung bình 92% quản lý cấp cao ủng hộ và tin rằng các công nghệ gắn liền với khái niệm “smart factory” chắc chắn là tương lai cần hướng tới. Dù vậy, chỉ có khoảng 12% các công ty sản xuất đang thực sự bắt tay vào hiện thực hóa mô hình tích hợp AI.
Bên cạnh mục tiêu tăng cường hiệu suất, việc giảm thiểu chi phí vận hành sản xuất cũng là điểm sáng được kỳ vọng từ AI. Được biết, rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang chưa làm tốt khâu quản lý ngân sách, nhất là khi cần chạy chiến dịch lớn hoặc thử nghiệm ý tưởng đột phá mới để lấy lợi thế cạnh tranh, khiến chi phí thực tế cao hơn lãi.
Với sự trợ giúp từ AI và Machine Learning, nhiệm vụ kiểm soát thu chi sẽ nhẹ gánh đi rất nhiều, chưa nói tới khả năng hỗ trợ đề xuất ý tưởng và tiết kiệm thời gian cho nhiều loại tác vụ cơ bản.
5. Giải pháp ERP (Enterprise Resource Planning)
ERP (hoạch định tài nguyên doanh nghiệp) tưởng chừng là khái niệm không đi quá sâu về mặt ý nghĩa và tính chất công nghệ, nhưng lại có tác động rất lớn đến nhu cầu và xu hướng chuyển đổi số doanh nghiệp.
Các giải pháp phần mềm ERP hiện nay được đánh giá là yếu tố cốt lõi giúp cải tiến quy trình số hóa của doanh nghiệp. Nếu thực thi chuẩn, ERP sẽ giúp kết nối đồng bộ tất cả các hệ thống trong bộ máy vận hành của tổ chức, tập trung thành một nền tảng thống nhất, bao gồm các thành phần phòng ban trọng yếu như tài chính, quản lý tài nguyên, quản lý quan hệ khách hàng.
Mô hình này có lợi ích vượt xa cách phân cấp điều hành truyền thống theo từng tầng, vốn dễ gặp rủi ro “nghẽn cổ chai” hoặc phát sinh thông tin giao tiếp không chính xác/không cần thiết.
6. Phát triển kỹ năng công nghệ cho nhân sự
Tất cả mọi nỗ lực tích hợp giải pháp phần mềm hàng đầu thế giới cũng không đủ nếu nhân sự – nòng cốt của doanh nghiệp – chưa đủ khả năng sẵn sàng đón nhận nó, gây tình trạng “nghẽn cổ chai”. Chính vì vậy, quy trình tưởng như truyền thống này lại là một yếu tố không thể bỏ qua nếu muốn chuyển đổi số thành công.
Thay vì đầu tư toàn bộ vào đào tạo chuyên môn và chiến lược tổng quan, nhiều tổ chức đã phân chia nguồn lực sang việc phổ cập kỹ năng công nghệ cho nhân viên. Nhờ hiểu rõ cách vận hành cũng như ứng dụng giải pháp chuyển đổi số vào công việc, nhân lực công ty đã thể hiện hiệu suất tăng cao, đồng thời sẵn sàng đón đầu xu thế công nghệ trong tương lai, không lo nước đến chân mới nhảy.