Dự báo tương lai IoT cho đa ngành nghề (ứng dụng & thách thức)
Internet of Things (IoT) – còn được biết đến với tên gọi Internet vạn vật – là hệ thống kết nối một mạng lưới các thiết bị điện tử nhằm mục đích chia sẻ và đồng bộ dữ liệu, giúp nâng cao hiệu quả xử lý, năng suất và nhiều chức năng đa dạng khác.
Ứng dụng của IoT trong cuộc sống đang dần trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, tiềm năng của chúng mới chỉ được khai thác ở bề nổi. Theo IoT Analytics, dự kiến số lượng thiết bị tích hợp dành cho IoT sẽ đạt mức hơn 27 tỷ vào năm 2025. Tương tự, MarketsAndMarkets cũng dự đoán thị trường IoT toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, nhảy vọt từ giá trị đầu tư 300 tỷ USD vào năm 2021 lên tới 650 tỷ USD vào năm 2026.
Không phải tự nhiên mà tương lai IoT lại nhận được nhiều góc nhìn xán lạn như vậy. Thứ nhất, thị trường IoT đang đạt ngưỡng chín muồi, nhờ sự ra đời của nhiều tiêu chuẩn công nghệ mới giúp đẩy mạnh độ hoàn thiện của hệ thống. Thứ hai, chất lượng thiết bị IoT cũng ngày một trở nên bền bỉ, mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Cuối cùng, những công nghệ bổ trợ như AI, machine learning, 5G… đều chứng kiến bước tiến nổi trội, giúp phát triển khả năng tích hợp của IoT.
Ứng dụng chính của IoT theo ngành
IoT trong ngành nông nghiệp
Thiết bị thông minh đang lấn sân mạnh mẽ vào trong nông nghiệp, gồm cả sản xuất và chăn nuôi. Một số điểm sáng IoT là máy bay không người lái giúp thực thi công việc nuôi trồng, chăm sóc mùa vụ, kết hợp với nhiều cảm biến máy móc để đánh giá tính chất thành phần đất, dự đoán biến đổi khí hậu, quản lý sức khỏe vật nuôi và theo dõi tình trạng bệnh tật nếu có.
IoT trong ngành bán lẻ
Trải nghiệm khách hàng trong ngành bán lẻ là mục tiêu được cải thiện nhiều nhất nhờ hệ thống các thiết bị thông minh. Nhờ đó, người tiêu dùng sẽ nhanh chóng tìm kiếm được chính xác sản phẩm và dịch vụ cần thiết.
Ứng dụng Internet of Things vào bán lẻ cho phép tùy chỉnh quảng cáo, cải thiện chu kỳ cung ứng, vòng quay hàng tồn kho và phân tích các mô hình kinh doanh sản xuất phù hợp. Ngoài ra, IoT cũng có thể được sử dụng cho thanh toán không cần tiền mặt và các tính năng mua sắm thông minh khác.
IoT trong sản xuất công nghiệp
IoT trong sản xuất công nghiệp nhận được sự quan tâm cực kỳ lớn, thậm chí trở thành một nhánh khái niệm riêng mang tên IIoT (Industrial Internet of Things).
Ứng dụng IoT trong công nghiệp bao gồm tất cả các loại cảm biến, hệ thống phần mềm và phân tích Big Data cho việc lên kế hoạch và tính toán của doanh nghiệp. Máy móc thông minh trực thuộc hệ thống IoT sẽ cải thiện năng suất và triệt tiêu lỗi sai thủ công, nhất là sai sót liên quan đến kiểm soát chất lượng.
IoT trong ngành y tế/sức khỏe
Tương lai của IoT trong chăm sóc sức khỏe xứng đáng có một vị trí ưu tiên trong danh sách các giải pháp công nghệ xứng đáng đầu tư hàng đầu. Nhờ IoT, bác sĩ có thể cung cấp dịch vụ thăm khám bệnh qua Internet; thiết bị bay không người lái có thể dùng để vận chuyển phụ kiện y tế nhanh chóng tới nơi khẩn cấp.
Chưa hết, công tác thu thập dữ liệu bệnh nhân và cá nhân hóa quy trình chăm sóc sức khỏe sẽ được hỗ trợ phân tích tự động, góp phần phác thảo phương pháp điều trị nhanh hơn đáng kể.
IoT trong ngành năng lượng
Hệ thống lưới điện thông minh có thể ghi nhận dữ liệu cần thiết và phân tích ngay lập tức khi kết nối IoT. Trải nghiệm khách hàng nhờ đó mà cải thiện tích cực, hưởng lợi từ những thống kê chi tiết và đề xuất tối ưu hành vi sử dụng điện trong tương lai.
IoT trong ứng dụng nhà thông minh
Đối với phạm trù hệ sinh thái smarthome, IoT có thể coi là giải pháp xương sống giúp hiện thực hóa thiết kế này chỉ trong tích tắc. Chất lượng cuộc sống hàng ngày của chủ nhân căn nhà sẽ được nâng lên tầm cao mới, từ hệ thống đèn, an ninh, máy lạnh/máy sưởi, cho tới trợ lý ảo giúp quản lý và điều khiển căn nhà từ xa chỉ thông qua một thiết bị di động bỏ túi.
ĐỌC THÊM:
Dự báo tương lai IoT: Ứng dụng & vai trò trong doanh nghiệp
Theo nghiên cứu của Forrester, từ năm 2022, đã có ít nhất 85% các công ty được ghi nhận đã hoặc dự định triển khai công nghệ IoT.
Trong đó, ngành sản xuất đóng vai trò lớn nhất trong việc chủ động thúc đẩy ứng dụng IoT, trở thành một làn sóng ảnh hưởng sâu rộng sau khi nhiều doanh nghiệp nhận thấy lợi thế về thu thập dữ liệu và quản lý trạng thái/hiệu suất của hầu hết mọi bộ phận, đồng thời cho phép trao đổi đồng bộ dữ liệu này với các thiết bị khác.
Bên cạnh đó, tính năng bảo trì dự đoán cũng là một công nghệ ra đời nhờ công của IoT. Tuy mô hình này chủ yếu đang được triển khai bởi các công ty lớn, nhưng dự kiến chỉ trong một thời gian ngắn tiếp theo, các donah nghiệp vừa và nhỏ sẽ sớm áp dụng công nghệ tương tự để tăng khả năng cạnh tranh.
1. Machine learning trở thành cánh tay phải cho ứng dụng và tiện ích
Nói về tương lai của IoT thì không thể không nhắc tới machine learning (học máy), vốn là chìa khóa mở ra khả năng học hỏi nâng cao của trí tuệ nhân tạo (AI).
Các hệ thống machine learning đang được triển khai rộng rãi trong nhiều lĩnh vực liên quan đến xử lý dữ liệu. Tính năng tự động học hỏi cho phép các ứng dụng hiểu được hành vi và thói quen của con người, thậm chí dự đoán trước yêu cầu trong tương lai. Chuyên môn về kinh doanh, tiếp thị và quảng cáo đang hưởng lợi cực lớn từ ứng dụng này.
2. Tương tác bằng giọng nói lên ngôi
Trong tương lai, IoT dần được tích hợp tính năng điều khiển bằng giọng nói trên toàn bộ các thiết bị khả dụng. Hiện tại, những trợ lý ảo như Siri, Alexa… đã xuất hiện ở khá nhiều sản phẩm phục vụ hệ sinh thái smart home và thiết bị di động. Do vậy, vấn đề còn lại chỉ là thời gian đối với những phạm trù thiết bị khác.
Điều khiển bằng giọng nói sẽ trở nên cực kỳ hữu ích trong nhiều tình huống nhờ tiết kiệm thời gian thao tác thủ công, đồng thời cho phép thực hiện đa tác vụ cùng lúc mà không cần sử dụng mắt nhìn trực tiếp vào thiết bị.
3. Củng cố bảo mật và an ninh
Việc các thiết bị trực thuộc hệ thống IoT chia sẻ dữ liệu đồng bộ với nhau cũng làm tăng mối lo ngại về vấn đề lỗ hổng bảo mật. Do đó, tương lai của IoT chắc chắn sẽ cần hoàn thiện thêm các tiêu chuẩn an ninh chặt chẽ hơn, hỗ trợ chuyển giao thông tin an toàn.
4. Ưu tiên nền tảng thiết bị di động
Thế hệ trẻ đang dần từ bỏ thói quen sử dụng TV để chuyển sang thiết bị di động, không chỉ để giải trí mà còn tích hợp nhiều tính năng khác như liên lạc, tra cứu, tiện ích… Do vậy, IoT nên ưu tiên sáng tạo thêm nhiều phương pháp và giao thức kết nối với cả người dùng cá nhân.
Kết hợp với sự ra đời của kết nối 5G sắp tới, tốc độ trao đổi và chia sẻ thông tin sẽ nâng lên mức đột phá, tăng cường trải nghiệm toàn diện khi trở thành một phần của hệ sinh thái IoT.
5. Tích hợp trí tuệ nhân tạo
Các thiết bị IoT thông minh nhưng vẫn cần bàn tay con người vận hành 100% thì chưa đủ tối ưu. Thay vào đó, chúng cần được bổ sung thêm tiềm năng phát triển nhờ trí tuệ nhân tạo, từ đó tận dụng được dữ liệu chi tiết về hiệu suất nhân viên, mức độ năng suất và chất lượng sản phẩm, dịch vụ thu thập từ từng nhóm thiết bị.
Ngoài ra, AI còn hỗ trợ đẩy nhanh quá trình tự động hóa trong doanh nghiệp, vừa giúp nâng cao chất lượng tổng thể của sản phẩm, vừa tăng tốc độ ra quyết định
6. Tích hợp phục vụ ngành chăm sóc sức khỏe
Dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe những năm gần đây đang dần nhận ra tiềm năng của IoT trong việc điều khiển giọng nói, kết nối trợ lý ảo cá nhân để theo dõi và báo cáo tình trạng sức khỏe. Những chỉ số quan trọng như nhịp tim hay mức oxy trong máu đã có thể được đo và đồng bộ dữ liệu theo thời gian thực thông qua thiết bị IoT.
Trên hết, đây mới chỉ là những vai trò bề nổi, vẫn còn rất nhiều điểm sáng chưa được khai thác hết. Tương lai của giám sát IoT, đặc biệt là thiết bị đeo và cảm biến cá nhân tại nhà để cập nhật sức khỏe đang cho thấy nhiều dấu hiệu hứa hẹn.
Khó khăn & thách thức dành cho IoT
Khả năng & nền tảng phần cứng
Các thiết bị IoT công nghiệp (IIoT) được thiết kế để có tuổi thọ cao, phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp với môi trường vận hành đặc thù hay thậm chí khắc nghiệt, nên chắc chắn yêu cầu độ bền cao và chất lượng đáng tin cậy. Không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng lâu dài mà không tốn kém chi phí, việc giải quyết vấn đề này còn giúp ngành thiết bị IoT có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường cạnh tranh, thuyết phục khách hàng một cách hiệu quả.
Chất lượng kết nối
Kết nối mạng không dây vẫn là phương án tối ưu nhất cho các thiết bị IoT, tuy nhiên lại bị ảnh hưởng bởi môi trường lắp đặt và hoạt động. Công nghệ kết nối không dây được khuyến nghị phải có tốc độ truyền tải ổn định, mạnh mẽ để liên tục truy xuất dữ liệu theo thời gian thực giữa các cảm biến, bộ nhớ lưu trữ đám mây, và phản hồi lại các đề xuất hành động từ người điều khiển.
Tính năng thân thiện
IoT được sinh ra nhằm đơn giản hóa quy trình và các tác vụ liên quan. Do vậy, giao diện tương tác cần được thiết kế theo tiêu chuẩn thân thiện với người dùng hiện tại và thu hút thêm người dùng tiềm năng trong tương lai.
Ngoài ra, khả năng tương thích đa nền tảng mà giữ nguyên được tính thân thiện với người dùng cũng là điều cần thiết, đảm bảo không phát sinh thêm vấn đề khi khách hàng bất chợt đổi sang sử dụng một loại thiết bị khác.
Ưu tiên bảo mật
Đáng buồn thay, thiết bị IoT thường là mục tiêu của các mối đe dọa mạng và truy cập trái phép. Do đó, phạm trù bảo mật dữ liệu và giao thức kết nối cần được quan tâm nhiều hơn, bởi chỉ cần một thiết bị không an toàn cũng có thể gây nguy hại tới toàn bộ hệ sinh thái IoT.
Cân bằng chi phí
Quá trình lắp đặt, duy trì, cập nhật, hoặc phát sinh sửa chữa thay thế cho thiết bị trong hệ thống IoT có thể tốn kém vượt kiểm soát. Ngoài việc chờ đợi thêm những công nghệ mới ra mắt có khả năng cân đối giá thành tốt hơn, người dùng cũng nên lập kế hoạch kỹ lưỡng trước khi chính thức đầu tư cho một hệ sinh thái IoT, tránh chi phí không cần thiết và tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực có sẵn.