4 bước chuẩn hóa quy trình kiểm soát chất lượng (QC) trong sản xuất
Quy trình kiểm soát chất lượng (quality control – QC) hướng đến mục tiêu duy trì hoặc cải thiện chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp. Các công việc QC chính thường bao gồm kiểm tra xem sản phẩm có đáp ứng thông số kỹ thuật tiêu chuẩn hay không, từ đó phát triển và áp dụng các biện pháp khắc phục nếu cần thiết, đem đến trải nghiệm hài lòng hơn cho đối tác và khách hàng.
Điều kiện cốt lõi để công tác kiểm định chất lượng được thực thi thành công là việc xác định rõ ràng các tiêu chí kiểm tra, từ đó đối chiếu chuẩn hóa cho quy trình sản xuất hoặc ứng phó với các vấn đề về chất lượng. Kết hợp với việc đào tạo và phân bổ vai trò nhân sự hợp lý, doanh nghiệp sẽ tối ưu tốc độ phản ứng và xử lý sự cố phát sinh về lỗi sản phẩm.
4 bước thực hiện quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm
1. Thiết lập tiêu chuẩn kiểm định
Để quy trình kiểm tra chất lượng diễn ra suôn sẻ, doanh nghiệp luôn phải lập nên các tiêu chuẩn mục tiêu xứng đáng làm nền tảng đánh giá. Danh sách này sẽ quyết định quy mô và phạm vi kiểm tra gốc, nhằm xác định dữ liệu kiểm định có phù hợp với thực tế hay không.
2. Kiểm tra theo từng giai đoạn sản xuất
Mọi công đoạn liên quan đến sản xuất hàng hóa đều nằm trong công tác kiểm soát chất lượng, xuất phát với khâu kiểm định nguyên vật liệu thô. Nếu không phát hiện vấn đề nào, quy trình sẽ được thực hiện ở nhiều giai đoạn và chu kỳ tiếp theo.
3. Khắc phục và xử lý
Khi đã tìm ra vấn đề, nhân sự phụ trách sẽ lên kế hoạch khắc phục và sửa chữa, ngăn ngừa khả năng tái diễn lỗi trong tương lai. Tùy từng ngành mà phương pháp thực thi có thể khác nhau, liên quan tới cả tiềm lực doanh nghiệp và công nghệ hiện có.
Chẳng hạn, trong sản xuất thực phẩm, nhóm QC của công ty thực hiện kiểm tra vi sinh để đảm bảo sản phẩm hoàn thiện không gây bệnh cho người tiêu dùng, đồng thời kiểm tra loại hình bao bì đóng gói nhằm đánh giá độ hấp dẫn về mặt hình ảnh. Mặt khác, trong ngành sản xuất ô tô, quy trình kiểm soát chất lượng lại tập trung kiểm tra khả năng phối hợp giữa các hệ thống bộ phận máy móc khác nhau.
4. Tổng hợp dữ liệu và thống nhất quyết định
Toàn bộ thông tin thực tế được ghi nhận từ khâu kiểm tra sẽ được thu thập và báo cáo lại cho các cấp quản lý, xem xét thêm bất kỳ hành động bổ sung nào cần thực hiện.
Ví dụ, công ty có thể chọn khắc phục những sản phẩm lỗi hoặc loại bỏ hoàn toàn. Trong trường hợp có quá nhiều sản phẩm bị lỗi, doanh nghiệp có thể cho kiểm tra lại toàn bộ quy trình sản xuất hoặc chất lượng uy tín đối tác nguồn cung ứng.
Phương pháp QC phổ biến trong doanh nghiệp
Kiểm tra truyền thống (inspection)
Phương pháp inspection thường bao gồm chọn ngẫu nhiên các sản phẩm và đối chiếu thuộc tính theo tiêu chuẩn nhất định để theo dõi trên biểu đồ kiểm soát chất lượng. Biểu đồ này sẽ cho biết sản phẩm hoặc quy trình mẫu có đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của công ty hay khác biệt ra sao.
Bằng cách phân tích mô hình thể hiện trong biểu đồ, doanh nghiệp có thể hiểu được lỗi sản phẩm đang xảy ra ngẫu nhiên hay theo một khuôn mẫu chung. Biểu đồ đo lường sự khác biệt của nhiều thuộc tính sản phẩm là biểu đồ đa biến, trong khi biểu đồ đo lường một thuộc tính cụ thể là biểu đồ đơn biến.
Taguchi
Phương pháp Taguchi nhấn mạnh vào tầm quan trọng của giai đoạn nghiên cứu, phát triển và thiết kế sản phẩm đối với khả năng xảy ra lỗi và sai sót. Genichi Taguchi – kỹ sư và chuyên gia thống kê người Nhật Bản là cha đẻ của phương pháp này, với quan điểm tập trung vào cải thiện thiết kế ban đầu để ngăn ngừa sự cố lỗi, thay vì chờ lỗi xảy ra để rồi lần ngược lại khắc phục đầu vào.
Chọn lọc mẫu thống kê
Phương pháp này đươc thực hiện bằng cách chỉ kiểm tra và xem xét một tập hợp con trên tổng sản lượng, từ đó kết hợp với kế hoạch quản lý chất lượng toàn diện để đánh giá và kết luận chất lượng tổng thể.
Vai trò & lợi ích của kiểm soát chất lượng sản xuất
- Thúc đẩy ý thức cầu toàn: Quy trình kiểm hàng của QC sẽ khuyến khích nhân viên học hỏi ý thức, chủ động cải thiện chất lượng thông qua việc thực thi chuẩn hóa quy trình, báo cáo sự cố nhanh chóng để xử lý kịp thời.
- Giảm chi phí sản xuất: Các kết luận rút ra từ quy trình kiểm soát chất lượng sẽ triệt tiêu dần các rủi ro lỗi trong sản xuất, góp phần giảm chi phí phát sinh và nguồn lực bị tiêu tốn.
- Tăng trải nghiệm khách hàng: Tỷ lệ sản phẩm lỗi thấp hoặc không bị lỗi sẽ củng cố niềm tin và sự hài lòng của khách, tăng vòng đời gắn bó với thương hiệu, nâng cao danh tiếng trên thị trường.
- Nâng cao tinh thần nội bộ: Tập thể nhân viên nhận thức được tinh thần đề cao chất lượng và giá trị thực tế của doanh nghiệp dành cho người tiêu dùng sẽ cải thiện lòng trung thành và ý thức làm việc chung.
- Cải thiện phương pháp sản xuất: Công tác kiểm soát chất lượng giúp hoàn thiện quy trình sản xuất tổng thể, khuyến khích việc liên tục cải thiện hệ thống để ngày một thu được hiệu quả tốt hơn.
- Tăng doanh số: Tỷ lệ chất lượng ổn định nhất quán giúp công ty xây dựng vị thế, thu hút thêm nhiều đối tác, khách hàng mới và tăng thành tích lợi nhuận.
- Khai thác nguồn lực hiệu quả: Sản phẩm làm ra đồng bộ chất lượng ở mức tốt sẽ không gây phát sinh chi phí hoặc nhu cầu hao tốn thêm tài nguyên để khắc phục, vừa tăng hiệu quả sản xuất, vừa giảm lãng phí và chất thải.
ĐỌC THÊM:
- Tổng quan về IQC – PQC – OQC – FQC: 4 loại hình kiểm soát chất lượng sản xuất
- AQL là gì? Cách tính & áp dụng AQL để quản lý chất lượng sản xuất
Phân biệt QA và QC (Quality Assurance vs. Quality Control)
Kiểm soát chất lượng (QC – quality control) và đảm bảo chất lượng (QA – quality assurance) thường được sử dụng thay thế cho nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, 2 khái niệm này không hoàn toàn giống nhau. Dưới đây là giải thích khái niệm QA và QC là gì, đồng thời chỉ rõ những khác biệt chính giữa QA và QC.
Kiểm soát chất lượng (QC) | Đảm bảo chất lượng (QA) | |
---|---|---|
Định nghĩa | Quy trình xác minh chất lượng đáp ứng hệ thống tiêu chuẩn gốc đặt ra | Quy trình thiết lập nền tảng chất lượng mà không cần thông qua công tác kiểm tra sản phẩm |
Mục tiêu | Phát hiện lỗi trong khâu sản xuất để khắc phục và cải thiện sản phẩm nhằm đạt đúng kết quả kỳ vọng | Tích hợp tiêu chuẩn chất lượng từ khâu thiết kế và phát triển sản phẩm, đảm bảo kết quả luôn đạt kỳ vọng nếu làm đúng quy trình |
Nhân sự phụ trách | Nhóm quản lý & thử nghiệm chất lượng | Toàn bộ các thành viên liên quan đến giai đoạn hoàn thiện thiết kế sản phẩm |
Phạm vi thực thi | Nằm trong kế hoạch sản xuất dự kiến | Không nằm trong kế hoạch sản xuất |