Phân biệt chỉ số MTBF – MTTR – MTTA – MTTF trong quản lý sự cố & bảo trì
Các sự cố gián đoạn và vấn đề kỹ thuật quy trình luôn là ưu tiên giải quyết hàng đầu trong doanh nghiệp, đặc biệt khi chúng có thể dẫn tới hậu quả khôn lường về lỗi hệ thống gây chậm tiến độ, chậm thanh toán, và chậm tiến trình dự án.
Đây cũng là lý do vì sao việc thống kê và theo dõi các chỉ số liên quan đến thời gian hoạt động, thời gian gián đoạn và hiệu quả quy trình cần được giám sát, cập nhật sát sao. Trong đó, phổ biến nhất là các chỉ số:
- MTBF (Mean Time Between Failures – thời gian trung bình giữa các lần hỏng hóc)
- MTTR (Mean Time To Recovery/Repair/Respond/Resolve – thời gian trung bình để phục hồi/sửa chữa/phản hồi/giải quyết)
- MTTF (Mean Time To Failure – thời gian trung bình đến khi hỏng hóc)
- MTTA (Mean Time To Acknowledge – thời gian trung bình để xác nhận)
Bài viết này sẽ giải thích tổng quan từng chỉ số trên, so sánh MTBF, MTTR, MTTF và MTTA để xác định phương án đo lường phù hợp nhất cho từng bối cảnh.
MTBF – Mean Time Between Failures
MTBF xuất phát từ ngành hàng không, lĩnh vực thường chịu hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi có sự cố hệ thống xảy ra, không chỉ ảnh hưởng về chi phí mà còn cả tính mạng con người. Dần dần, khái niệm này được phổ cập trong nhiều ngành công nghiệp kỹ thuật, cơ khí và sản xuất.
Mean Time Between Failures là thời gian trung bình giữa các lần hỏng hóc của một sản phẩm hoặc thiết bị. Chỉ số này được sử dụng để theo dõi cả tính khả dụng và bền bỉ của sản phẩm. Thời gian giữa các lần hỏng hóc càng cao, hệ thống càng đáng tin cậy. Hầu hết các công ty đều đặt mục tiêu giữ MTBF càng cao càng tốt.
Công thức tính:
Mean Time Between Failures = Tổng thời gian hoạt động / Số lần hư hỏng/sự cố
Số liệu MTBF đặc biệt hữu ích khi doanh nghiệp có nhu cầu chọn lọc ra thiết bị có hiệu suất ổn định và đáng tin cậy nhất theo thời gian. Ở một số trường hợp khác, MTBF cũng có thể được sử dụng để xác định dấu hiệu vấn đề, đồng thời theo dõi tình trạng thành công hay thất bại của quy trình hoặc sản phẩm.
Qua đó, công ty sẽ biết khi nào nên thực hiện nâng cấp hệ thống hoặc bảo trì, hoặc đưa ra khuyến nghị cho khách hàng về thời điểm nên bảo trì, thay thế bộ phận.
ĐỌC THÊM: Chi tiết về MTBF | Cách cải thiện hiệu quả thiết bị qua MTBF
MTTR – Mean Time To Repair, Mean Time To Recovery, Mean Time To Respond, Mean Time To Resolve
Mean Time To Repair
Mean Time To Repair là thời gian trung bình để sửa chữa, thường áp dụng phân tích cho hệ thống kỹ thuật, cơ khí hoặc sản xuất. Định lượng này sẽ bao gồm cả thời gian kiểm tra và sửa chữa, chỉ và thời gian kiểm tra. Đồng hồ không dừng cho đến khi hệ thống hoạt động trở lại hoàn toàn.
Công thức tính:
Mean Time To Repair = Tổng thời gian sửa chữa / Số lần sửa chữa trong chu kỳ
Chỉ số Mean Time To Repair giúp theo dõi hiệu quả và tốc độ sửa chữa của nhân viên bảo trì khi đối phó với một vấn đề. Mục tiêu chung thường là giảm Mean Time To Repair càng thấp càng tốt bằng cách tăng khả năng phối hợp trơn tru của đội ngũ sửa chữa.
ĐỌC THÊM: 6 biện pháp cải thiện MTTR trong bảo trì sản xuất Nhà máy thông minh
Mean Time To Recovery
Mean Time To Recovery là thời gian trung bình để phục hồi từ một sự cố sản phẩm hoặc hệ thống. Điều này bao gồm toàn bộ thời gian gián đoạn – từ khi hệ thống hoặc sản phẩm bị lỗi đến khi hoạt động trở lại bình thường.
Công thức tính:
Mean Time To Recovery = Tổng thời gian ngừng hoạt động / Số lần xảy ra sự cố
Hạn chế của Mean Time To Recovery là chỉ cho phép chẩn đoán vấn đề một cách tổng quan, không hỗ trợ nhiều trong việc phân tích sâu xa để xác định nguyên nhân gốc rễ.
Mean Time To Resolve
Mean Time To Resolve là thời gian trung bình để giải quyết hoàn toàn một lỗi, bao gồm cả thời gian phát hiện, chẩn đoán, sửa chữa, và thực thi biện pháp đảm bảo lỗi không tái diễn.
Cải thiện chỉ số Mean Time To Resolve đồng nghĩa với việc nâng cao trách nhiệm của nhóm xử lý sự cố và bảo trì, song song với mức độ hiệu quả lâu dài của quy trình doanh nghiệp.
Công thức tính:
Mean Time To Resolve = Tổng thời gian giải quyết / Số lần xảy ra sự cố
Lưu ý rằng Mean Time To Resolve chỉ tính thời gian giải quyết trong giới hạn giờ làm việc thông thường. Do vậy, nếu quá trình giải quyết sự cố diễn ra khi gần hết ngày làm việc, phải tạm dừng để chờ sang ngày hôm sau, thì khoảng thời gian công nhân vắng mặt sau giờ làm sẽ không bị tính vào công thức.
Mean Time To Respond
Mean Time To Respond là thời gian trung bình để phản hồi thông tin về lỗi sản phẩm hoặc hệ thống, tính từ thời điểm nhận thông báo lần đầu tiên tới khi hoạt động bình thường trở lại. Lưu ý rằng nếu hệ thống gửi thông báo trễ, khoảng dư đó sẽ không bị tính vào tổng thời gian phản hồi chung.
Công thức tính:
Mean Time To Respond = Tổng thời gian phản hồi / Số lần xảy ra sự cố
MTTA – Mean Time To Acknowledge
Mean Time To Acknowledge là thời gian trung bình để xác nhận, tính từ khi một cảnh báo được kích hoạt đến khi bắt đầu xác nhận thông tin để tiến hành xử lý sự cố. Chỉ số thường được sử dụng để theo dõi khả năng phản ứng của đội ngũ phụ trách và hiệu quả của hệ thống cảnh báo.
Công thức tính:
Mean Time To Acknowledge = Tổng thời gian từ cảnh báo tới xác nhận / Số lần xảy ra sự cố
MTTF – Mean Time To Failure
Mean Time To Failure cũng là thời gian trung bình giữa các lần hỏng hóc, nhưng chỉ tính cho những sự cố hư hỏng không thể sửa chữa, bắt buộc phải thay thế hoặc xử lý bằng biện pháp khác. Đây là điểm đặc trưng khác biệt đối với khái niệm MTBF (Mean Time Between Failures) vốn chỉ dành cho sự cố cho phép sửa chữa.
Ví dụ: Nếu thời gian hoạt động trung bình của một bóng đèn đạt 50.000 giờ trước khi hỏng hoàn toàn và phải thay thế, thì MTTF của sản phẩm bóng đèn là 50.000 giờ.
MTTF thường được áp dụng tính toán để hiểu tuổi thọ hoạt động của một sản phẩm hay hệ thống, đồng thời làm thước đo đối chiếu xem sản phẩm thay thế sau đó có tốt hơn hay không, đồng thời cung cấp thêm dữ liệu phục vụ kế hoạch kiểm tra và bảo trì sản phẩm mới.
Công thức tính:
Mean Time To Failure = Tổng thời gian hoạt động của từng sản phẩm / Tổng số lượng sản phẩm
Hạn chế của chỉ số Mean Time To Failure là chỉ phù hợp để đánh giá tuổi thọ trung bình của sản phẩm có tuổi thọ ngắn (như bóng đèn).