Giải thích công thức tính vòng quay hàng tồn kho (ví dụ thực tế)
Vòng quay hàng tồn kho – Inventory Turnover là gì?
Vòng quay hàng tồn kho (inventory turnover) là số lần hàng tồn kho của một công ty được bán ra và tái nhập kho (bổ sung hoặc thay thế) trong một khoảng thời gian nhất định (thường là 1 năm). Công thức này cũng có thể được dùng để tính số ngày cần thiết cho mục tiêu bán hết hàng tồn kho hiện có.
Tầm quan trọng của chỉ số vòng quay hàng tồn kho
Kết quả tính vòng quay hàng tồn kho là một chỉ số tài chính quan trọng hàng đầu, đặc biệt đối với những công ty vận hành và quản lý nhiều hàng tồn kho. Tỷ lệ vòng quay hàng tồn kho cao thường cho thấy hàng hóa được bán nhanh hơn. Mặt khác, tỷ lệ thấp sẽ thể hiện doanh số bán hàng thấp và hàng tồn kho còn dư thừa nhiều, dẫn tới những khó khăn phát sinh khác.
Bản chất con số vòng quay hàng tồn kho không mang nhiều ý nghĩa khi đứng độc lập. Tuy nhiên, khi đối chiếu liên hệ với nhiều chỉ số khác, vòng quay hàng tồn kho có thể trở thành thước đo đánh giá tính cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của công ty.
Cụ thể, vòng quay hàng tồn kho giúp doanh nghiệp xác định vị thế so với mặt bằng chung các đối thủ trong cùng lĩnh vực, thông qua việc so sánh kết quả tính vòng quay hàng tồn kho với mức trung bình theo tiêu chuẩn ngành.
Trong hầu hết mọi trường hợp, tỷ lệ vòng quay hàng tồn kho cao sẽ ngụ ý khả năng tiếp thị sản phẩm tốt, song song với công tác tối ưu chi phí vận hành kho hàng, chẳng hạn như tiền thuê, tiện ích, bảo hiểm, thất thoát…
Công thức tính vòng quay hàng tồn kho
Cách tính vòng quay hàng tồn kho được thể hiện bằng công thức sau:
Chỉ số vòng quay hàng tồn kho = Giá vốn hàng bán / Giá trị tồn kho trung bình
hoặc: Inventory Turnover Ratio = (Cost of Goods Sold)/(Average Inventory)
Chỉ số vòng quay hàng tồn kho tích cực hay tiêu cực còn phụ thuộc vào tiêu chuẩn của từng ngành. Nói chung, loại hình kinh doanh sản phẩm giá rẻ thường có tỷ lệ vòng quay hàng tồn kho cao hơn so với sản phẩm giá trị cao.
Cost of Goods Sold – Giá vốn hàng bán là gì?
Giá vốn hàng bán là chi phí phát sinh trực tiếp từ việc tạo ra sản phẩm, bao gồm nguyên vật liệu, nhân công… áp dụng cho sản phẩm đó.
Tuy nhiên, trong kinh doanh bán lẻ, chi phí phát sinh thường là số tiền thực tế mà nhà phân phối trả cho nhà sản xuất/nhà cung cấp để thanh toán sản phẩm hoàn thiện (kèm chi phí vận chuyển nếu có).
Dù ở trường hợp nào, giá vốn hàng bán được xác định chính xác qua bản thống kế hàng tồn kho, hoặc danh sách nguyên vật liệu và hàng hóa thu mua dành cho sản phẩm.
Average Inventory – Giá trị tồn kho trung bình là gì?
Giá trị tồn kho trung bình là chi phí trung bình của một tập hợp các sản phẩm, xét bình quân trên ít nhất 2 khoảng thời gian được chỉ định. Kết quả này được tính toán dựa trên giá trị hàng tồn kho đầu kỳ tại thời điểm bắt đầu năm tài chính, cộng với giá trị hàng tồn kho cuối kỳ của cùng năm, sau đó chia đôi để thu được chi phí trung bình tạo ra hàng hóa đóng góp vào doanh số chung.
Giá trị tồn kho trung bình không nhất thiết phải được tính toán trên cơ sở mỗi năm, mà có thể là hàng tháng hoặc quý, tùy thuộc vào điều kiện phân tích cụ thể cần thiết để đánh giá thống kê tồn kho.
Hạn chế của chỉ số vòng quay hàng tồn kho
Sự khác biệt theo ngành
Các lĩnh vực kinh doanh khác nhau có quy chuẩn phản ánh thực tế quản lý hàng tồn kho khác nhau, dẫn đến những khác biệt tự nhiên về tỷ số vòng quay tồn kho lý tưởng. Khi so sánh kết quả tính vòng quay hàng tồn kho giữa các ngành cần xem xét đến những điều kiện chênh lệch trên, nhằm tránh gây hiểu lầm hoặc sai sót.
Biến động theo mùa
Một số ngành sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể về nhu cầu theo mùa và giai đoạn trong năm. Nếu chỉ tính vòng quay hàng tồn kho cho mùa cao điểm, kết quả tổng thể sẽ bị sai lệch, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh tổng thể.
Biến động chi phí
Tỷ lệ vòng quay hàng tồn kho được tính dựa trên giá vốn hàng bán – vốn dễ dao động do thay đổi chi phí sản xuất, giá nguyên liệu hoặc tỷ giá hối đoái. Những biến động này có thể ảnh hưởng đến độ chính xác khi so sánh và phân tích vòng quay hàng tồn kho thống kê trong thời gian dài.
Bỏ qua chi phí lưu kho
Mặc dù tỷ lệ vòng quay hàng tồn kho cao thường là dấu hiệu tốt, nhưng kết quả đó thường chưa bao hàm các chi phí cần thiết cho việc duy trì mức tồn kho thấp.
Chẳng hạn, khi quá tự tin vào tỷ lệ vòng quay hàng tồn kho cao mà không nhìn nhận đúng thực tế, doanh nghiệp có thể gặp chi phí phát sinh vượt dự tính, dẫn tới hậu quả thiếu hàng, thời gian thực thi đơn hàng gấp, thậm chí mất cơ hội kinh doanh. Do vậy, công ty nên cân nhắc cân bằng giữa vòng quay hàng tồn kho và chi phí lưu kho để tối ưu hóa lợi nhuận.
Bỏ qua thời gian hoàn thiện đơn hàng
Công thức vòng quay hàng tồn kho không tính đến thời gian thực thi đơn hàng hoặc thời gian cần thiết để bổ sung hàng tồn kho. Do đó, chỉ số vòng quay hàng tồn kho có thể đạt mức tích cực và thể hiện doanh số hiệu quả, nhưng nếu thời gian thực thi quá dài, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với tình trạng khan hàng và trải nghiệm không hài lòng của khách.
Ví dụ tính toán vòng quay hàng tồn kho
Trong năm tài chính 2022, Walmart Inc. (WMT) báo cáo các số liệu như sau:
- Giá vốn hàng bán: 429 tỷ USD
- Giá trị tồn kho đầu kỳ: 44,9 tỷ USD
- Giá trị tồn kho cuối kỳ: 56,5 tỷ USD
Từ đó, tỷ lệ vòng quay hàng tồn kho của Walmart trong năm 2022 là: 429 ÷ [(44,9 + 56,5)/2] = 8,5
Chia đều tỷ lệ trên cho 365 ngày trong năm đạt 42 – tức cứ mỗi 42 ngày, Walmart sẽ hoàn thành một chu kỳ xoay vòng hàng tồn kho.
Tới năm tài chính 2024, Walmart cập nhật số liệu:
- Giá vốn hàng bán: 490 tỷ USD
- Giá trị tồn kho đầu kỳ: 56,6 tỷ USD
- Giá trị tồn kho cuối kỳ: 54,9 tỷ USD
Tỷ lệ vòng quay hàng tồn kho của Walmart trong năm 2024 là: 490 ÷ [(56,6 + 54,9)/2] = 8,8
Qua đó, có thể thấy từ năm 2022 đến 2024, tỷ lệ vòng quay hàng tồn kho của Walmart đã tăng lên. Lãnh đạo công ty có thể tiếp tục phân tích chuyên sâu để xác định nguyên nhân do quy trình hiệu quả hoặc nhu cầu mua hàng cao hơn đối với các sản phẩm liên quan, sau cùng rút ra kết luận phục vụ kế hoạch kinh doanh tiếp theo.