Vì sao OEE là chỉ số quan trọng hàng đầu trong sản xuất?
Dưới áp lực chạy đua về cả thời gian và chi phí, ngành sản xuất đang chứng kiến những đổi mới nhanh chóng về công nghệ áp dụng trong quy trình cốt lõi. Không chỉ hướng đến mục tiêu cải tiến chất lượng, các doanh nghiệp còn phải tìm kiếm giải pháp giảm thiểu thất thoát tài nguyên.
Thông qua việc đo lường các chỉ số về tính khả dụng (availability), hiệu suất (performance), và chất lượng (quality), OEE đã trở thành chỉ tiêu đánh giá toàn diện nhất cho doanh nghiệp sản xuất. Ngoài những lợi ích về phân tích số liệu, còn lý do nào thực sự tôn vinh vai trò không thể thiếu của OEE?
OEE tiết lộ nhược điểm của quy trình sản xuất
Ít ai biết rằng mục đích chính của OEE không hẳn chỉ để xác định mức độ thành công của thiết bị, mà là tìm ra điểm yếu ẩn sâu bên trong quy trình. Thành tích chói lọi sẽ không có ý nghĩa gì nếu một ngày nào đó, rủi ro tiềm ẩn bất ngờ bộc lộ, gây ảnh hưởng nặng nề vượt mức dự tính cho doanh nghiệp.
Cụ thể, chỉ số khả dụng trong công thức tính OEE đo lường tỷ lệ giữa thời gian máy móc hoạt động dự kiến so với thực tế. Bất kỳ cỗ máy nào cũng sẽ trải qua những khoảng thời gian nghỉ hoặc dừng hoạt động, dù ít hay nhiều.
Điều tương tự cũng xảy ra với chỉ số hiệu suất và chất lượng. Một thiết bị có thể chạy với công suất biến thiên, không ổn định, tạo ra sản lượng khác với kết quả dự kiến, hoặc chất lượng tương quan không đồng đều.
Nếu tình trạng này diễn ra theo tần suất bất thường và OEE giúp xác định nguyên nhân phía sau, doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều cơ hội cải thiện tình huống kịp thời.
OEE tối ưu hoạt động quản lý của từng bộ phận
Quản lý nhà máy và dây chuyền
Sự hiện diện của OEE trong dây chuyền sản xuất có ý nghĩa rất lớn trong việc ghi nhận số liệu và theo dõi hoạt động quy trình. Những thông tin này sẽ là cơ sở vững chắc để doanh nghiệp đưa ra quyết định cho chiến lược kinh doanh theo sau.
Tính hiệu quả của dây chuyền sản xuất phụ thuộc nhiều vào mức độ hoàn thiện quy trình trên quy mô đồng bộ tổng thể, cả về máy móc và con người. Trưởng bộ phận và công nhân phải liên tục phối và trao đổi về cách thức vận hành, đồng thời đảm bảo dữ liệu phải chính xác, cập nhật càng nhanh càng tốt.
Những yêu cầu trên đã được diễn giải nhanh chóng thông qua các chỉ số OEE. Lý tưởng hơn, nếu doanh nghiệp đã tích hợp thành công hệ thống phân tích OEE tự động, mọi thứ chắc chắn sẽ trở nên thuận tiện hơn nhiều, một công đa việc: Giảm chi phí vận hành sản xuất, hoàn thành đúng thời hạn, kiểm soát chất lượng ổn định.
Trên hết, đây cũng là tiền đề thúc đẩy tích hợp công nghệ mới vào hoạt động sản xuất, đón nhận xu thế thời đại 4.0.
Quản lý bảo trì
Các số liệu phục vụ hoạt động bảo trì, bảo dưỡng máy móc có liên quan mật thiết tới thời gian chết hoặc thời gian sửa chữa trung bình của thiết bị. Những thống kê này hoàn toàn có thể được liên hệ tính toán từ số liệu của OEE.
Quản lý tồn kho, hậu cần và quy trình thu mua
Các hoạt động vận hành kho, công tác hậu cần và chuẩn bị vật tư là nguồn sống nuôi dưỡng hoạt động doanh nghiệp, và nên được cập nhật chính xác tuyệt đối theo thời gian thực. Tuy nhiên, căn cứ để thực hiện những quyết định này lại xuất phát từ diễn biến và năng lực sản xuất hiện tại, phản ánh qua số liệu OEE.
Quản lý chất lượng
Quy trình vận hành suôn sẻ, thiết bị hoạt động trơn tru cũng chỉ là bề nổi nếu chất lượng sản phẩm cuối không đủ hoàn thiện. Nhờ các thông số tổng hợp từ hệ thống OEE, nhân sự phụ trách chất lượng sẽ sớm tìm ra nút thắt vấn đề, khắc phục và đưa chỉ tiêu sản phẩm trở lại đung quỹ đạo vốn có.
Quản lý kế toán & tài chính
Nghe có vẻ không hợp lý, nhưng thật ra OEE cũng góp phần hỗ trợ công tác quản lý tài chính cho doanh nghiệp. Điểm số OEE thường là cơ sở để xác định chỉ tiêu kinh doanh trong giai đoạn sắp tới, kết nối chặt chẽ với nhiều loại số liệu khác. Dựa vào đó, bộ phận kế toán có thể tự sắp xếp thống kê kế hoạch cho mục đích cân đối ngân sách và tối ưu thu chi.
Nhìn chung, tác động của OEE ít nhiều hiện diện ở quy mô toàn hệ thống doanh nghiệp, không chỉ bó hẹp trong các bộ phận sản xuất. Giá trị cốt lõi chính là dữ liệu, là cơ sở để các cấp lãnh đạo đưa ra quyết định đúng đắn đối với cả các quyết định nhất thời lẫn lộ trình phát triển công ty về lâu dài.
ĐỌC THÊM: