Lego: Cải cách sản phẩm & tự động hóa quy trình

Tổng quan về doanh nghiệp 

Thương hiệu Lego chắc hẳn không còn xa lạ với nhiều thế hệ trên toàn thế giới, đặc biệt là trẻ em và những người đam mê sáng tạo. Thành lập vào năm 1932 tại Đan Mạch, Lego phát triển vượt bậc từ xưởng sản xuất đồ chơi nhỏ thành một trong những thương hiệu đồ chơi lớn nhất thế giới, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng hàng triệu người trên các châu lục. 

Nổi tiếng là thế với sản phẩm đồ chơi lắp ráp sáng tạo và có tính giáo dục cao, Lego phải đối mặt với giai đoạn đầy thử thách vào đầu những năm 2000. Khi thiết bị điện tử và trò chơi video ngày càng phổ biến, thói quen giải trí trẻ em và thanh thiếu niên dần thay đổi. Những bộ xếp hình từng là niềm tự hào của thương hiệu này dần mất đi sức hút trước trò chơi điện tử hấp dẫn và các thiết bị công nghệ hiện đại.

lego chuyển đổi số

Khó khăn và thách thức  

Trước sự thay đổi nhanh chóng về chuyển đổi số, Lego không kịp thích ứng, làm doanh số công ty suy giảm không phanh. Doanh thu liên tục sụt giảm qua các năm, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2003 đến 2004, khi Lego ghi nhận khoản lỗ kỷ lục, đồng thời đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, buộc phải cắt giảm nhân sự và đóng cửa một số nhà máy. 

Không chỉ đối mặt với khó khăn từ thị trường, Lego còn gặp vấn đề lớn trong việc quản lý quy trình sản xuất và chuỗi cung ứng phức tạp của mình. Trong nỗ lực mở rộng danh mục sản phẩm, công ty tung ra hàng trăm bộ đồ chơi khác nhau, với đủ loại chủ đề và phong cách, từ các bộ xếp hình truyền thống đến những sản phẩm hợp tác với thương hiệu nổi tiếng như Star Wars, Harry Potter, và Bionicle.  

Việc mở rộng quá nhanh này khiến quy trình sản xuất trở nên khó kiểm soát. Hàng tồn kho phình to, chi phí sản xuất và quản lý tăng cao, dẫn đến việc nhiều sản phẩm không bán chạy phải nằm im trên kệ. Sự phức tạp trong chuỗi cung ứng gây ra không ít trở ngại, từ việc giao hàng chậm trễ đến việc thiếu hụt hoặc dư thừa nguyên liệu, làm ảnh hưởng lớn đến khả năng cung ứng sản phẩm kịp thời cho các thị trường trên toàn cầu. 

Solutions 

Dần dần, Lego nắm bắt xu hướng công nghệ và chuyển mình để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Một trong những bước tiến quan trọng là việc hợp tác với các công ty game nổi tiếng nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận và tạo ra những trải nghiệm mới mẻ cho người chơi. Điển hình là sự kết hợp với Traveller’s Tales để ra mắt loạt trò chơi điện tử Lego Star Wars, không chỉ thu hút người hâm mộ của bộ phim mà còn mang đến cho Lego một thế hệ người chơi mới.  

Bên cạnh đó, công ty không ngừng sáng tạo bằng cách tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào các sản phẩm vật lý, chẳng hạn như phát triển các bộ xếp hình tương tác thông qua ứng dụng di động. Điều này cho phép người chơi kết nối bộ xếp hình của mình với thế giới ảo, tạo ra một trải nghiệm chơi sáng tạo và độc đáo, kết hợp giữa thế giới thực và ảo. 

Không chỉ dừng lại ở việc cải tiến sản phẩm, Lego ứng dụng công nghệ tự động hóa tiên tiến vào quy trình sản xuất. Các công đoạn như lắp ráp, đóng gói, và xử lý hàng hóa đều được tự động hóa một cách chặt chẽ, giúp tăng cường hiệu quả sản xuất, giảm thiểu tối đa sai sót và đảm bảo chất lượng sản phẩm luôn ở mức cao nhất.  

Kết quả 

  • Doanh thu năm 2015 tăng hơn 25%, đạt khoảng 5,2 tỷ USD, nhờ vào chiến lược phát triển các sản phẩm số hoá và tập trung vào chất lượng đồ chơi.
  • Bất chấp đại dịch COVID-19, năm 2020, Lego tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định với doanh thu vượt 7 tỷ USD.
  • Lego Star Wars bán được hơn 50 triệu bản trên toàn cầu kể từ khi ra mắt, mở rộng khả năng trải nghiệm của người chơi, giúp Lego giữ vững vị thế hàng đầu trong ngành công nghiệp đồ chơi toàn cầu.