WIP – Work-in-Progress là gì? Lợi ích & ví dụ tính toán WIP trong sản xuất

WIP (Work In Progress) là một thuật ngữ trong lĩnh vực sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng, đại diện cho các sản phẩm chưa hoàn thiện hay đạt đến giai đoạn sản xuất cuối cùng. WIP được thể hiện bằng giá trị của tất cả nguyên vật liệu, nhân lực và chi phí vận hành tổng thể đã được chi vào những sản phẩm này. 

Trong kế toán, WIP được coi là một tài sản tồn kho thể hiện giá trị gắn liền với các mặt hàng có tính chất: không phải là nguyên liệu thô hay sản phẩm hoàn thiện.

Trong một số ngữ cảnh rộng hơn, WIP có thể được áp dụng cho bất kỳ nhiệm vụ, dự án hoặc hoạt động nào đã bắt đầu nhưng chưa hoàn thành. Việc hiểu rõ và quản lý WIP đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp theo dõi hiệu suất, hoạch định tài nguyên và dự đoán sản lượng thành phẩm. 

WIP work in progress

Lợi ích của Work-in-Progress

Đo lường và quản lý WIP mang lại tác dụng to lớn cho công tác vận hành dự án, bao gồm: Xác định điểm nghẽn quy trình, tối đa hóa công suất và xác định thời gian trung bình để hoàn thành công việc. 

Nói cách khác, WIP cung cấp khả năng thấu hiểu chi tiết các đầu việc đang thực hiện, đồng thời chỉ ra những cơ hội tiềm năng có thể tận dụng. Khi hiểu rõ tính chất công việc, nhân sự phụ trách có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn và tinh chỉnh quy trình để tăng cường hiệu quả. 

Một số lợi ích nổi bật khi quản lý WIP đúng cách: 

  • Tối ưu hóa tài nguyên: Bằng cách hiểu rõ mức độ WIP, doanh nghiệp có thể phân bổ tài nguyên hợp lý, đảm bảo không thiếu hụt cũng như dư thừa nguồn lực. 
  • Quản lý dòng tiền: Ngân sách liên quan đến WIP về cơ bản là nguồn vốn bị đóng băng. Bằng cách tối ưu hóa WIP, doanh nghiệp có thể đảm bảo dòng chảy tài chính hiệu quả hơn cho hoạt động kinh doanh. 
  • Khả năng dự báo: Mức WIP ổn định đồng nghĩa với tốc độ sản xuất ổn định, giúp dễ dàng dự đoán thời gian hoàn thành và ngày giao hàng. 

Ví dụ về cách tính WIP trong sản xuất 

Xét trường hợp một doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ điện tử gia dụng như TV, thường xuyên nhập nguyên liệu thô như vi mạch điện tử, ống tia âm cực, màn hình và vật liệu đóng gói. 

Công ty sở hữu lượng nguyên vật liệu trị giá 100.000 USD tồn kho từ năm trước, và tiếp tục mua thêm số nguyên liệu trị giá 300.000 USD để phục vụ đơn hàng mới trong năm nay. 

Tới cuối năm, họ vẫn còn tài sản tồn kho trị giá 150.000 USD chưa được hoàn thiện thành sản phẩm.

sản xuất linh kiện điện tử

Từ đó, chúng ta có thể tính toán: 

WIP tồn kho = (Giá trị nguyên vật liệu tồn kho ban đầu) + (Giá trị thu mua thêm nguyên vật liệu trong năm) – (Giá trị tài sản tồn kho chưa hoàn thiện) = 100.000 USD + 300.000 USD – 150.000 USD = 250.000 USD 

Giả sử dây chuyền sản xuất gồm 5 công nhân với mức lương 40.000 USD/người/năm – tức tổng chi phí nhân công là 200.000 USD/năm. 

Ngoài ra, quá trình sản xuất còn gồm những chi phí vận hành dưới dạng phúc lợi, bảo hiểm, khấu hao thiết bị… cụ thể như bảng dưới: 

Marketing30.000 USD
Bảo hiểm50.000 USD
Phúc lợi30.000 USD
Tiện ích10.000 USD
Nguyên vật liệu phát sinh10.000 USD
Bảo trì bảo dưỡng2.000 USD 
Tổng cộng132.000 USD

Như vậy, tổng giá trị WIP = (Giá trị WIP tồn kho) + (Chi phí nhân công) + (Chi phí vận hành) = 250.000 USD + 200.000 USD + 132.000 USD = 582.000 USD 

Phân biệt Work-in-Progress và Work-in-Process 

Thực chất, 2 thuật ngữ Work-in-Progress và Work-in-Process thường được sử dụng thay thế cho nhau, cùng chung cả cách viết tắt “WIP”. 

Trong hầu hết mọi trường hợp, chúng đều biểu thị cùng ý nghĩa đại diện đề cập cho các chi phí liên quan đến hàng hóa hoặc dịch vụ chưa hoàn thành trong quy trình sản xuất. Tuy nhiên, ở một số ngữ cảnh nhất định, mỗi thuật ngữ có thể mang hàm ý khác biệt đôi chút. 

  • Work-in-Process đề cập đến mặt hàng còn dang dở nhưng có chu kỳ sản xuất và hoàn thiện nhanh, ngắn hạn (như các sản phẩm vật lý tiêu dùng nhanh). 
  • Work-in-Progress liên quan tới mặt hàng/dịch vụ có chu kỳ sản xuất và hoàn thiện dài hơn (như dự án công trình xây dựng). 

Mặt khác, trong bối cảnh sử dụng cho mục đích kế toán, 2 thuật ngữ trên đều có chung cách hiểu và công thức tính.