AQL là gì? Cách tính & áp dụng AQL để quản lý chất lượng sản xuất

AQL (Acceptable Quality Limit, hay Acceptable Quality Level) là một tiêu chuẩn đo lường sản phẩm được quy định trong ISO 2859-1, đại diện cho “giới hạn chất lượng có thể được chấp nhận”. 

Cụ thể, khi thực hiện quy trình kiểm định chất lượng ngẫu nhiên, AQL sẽ cho biết có bao nhiêu sản phẩm bị lỗi và giới hạn chấp nhận dành cho số lượng lỗi đó. Kết quả này thường được biểu thị dưới dạng tỷ lệ hoặc phần trăm, so sánh số lượng thành phẩm bị lỗi so với tổng sản lượng.

AQL được tính toán dựa vào các bảng tiêu chuẩn có sẵn, trong đó bao hàm nhiều danh mục thông tin diễn giải mức độ lỗi của sản phẩm, sắp xếp từ lỗi nhỏ, lớn cho tới nghiêm trọng.

kiểm định theo tiêu chuẩn AQL

Nguyên lý hoạt động & cách áp dụng AQL 

Sản phẩm trong cùng một lô hàng được kiểm tra ngẫu nhiên, nếu cho ra kết quả số lượng sản phẩm lỗi thấp hơn giới hạn xác định trước, lô hàng đó được coi là thỏa mãn điều kiện của AQL. 

Mặt khác, nếu kết quả không đạt mức chất lượng chấp nhận được, doanh nghiệp sẽ cần xem xét lại thông số quy trình sản xuất để nghiên cứu kỹ hơn nguyên nhân gây ra lỗi.  

Chẳng hạn, giả sử AQL đặt ra là 1% cho một lô sản xuất, đồng nghĩa với việc lô hàng này không được phép có số lượng sản phẩm lỗi vượt quá 1%. Nếu tổng sản lượng là 1000, vậy 10 sản phẩm là con số tối đa có thể bị lỗi. Nếu số lượng này đạt 11 trở lên, chất lượng tổng thể sẽ được coi là không đạt, phải hủy đơn hàng hoặc trải qua thêm nhiều khâu tái kiểm định và khảo sát. 

Trên thực tế, việc kiểm tra toàn bộ 1000 sản phẩm sẽ tốn rất nhiều thời gian và nguồn lực. Thay vào đó, doanh nghiệp sẽ chỉ kiểm tra một số lượng mẫu sản phẩm ngẫu nhiên (dựa theo thống kê từ bảng tiêu chuẩn AQL), rồi xem xét tỷ lệ lỗi nằm trong ngưỡng chấp nhận được hay không. 

Bảng tiêu chuẩn AQL 

Để tính toán giới hạn chất lượng chấp nhận được cho một lô hàng sản xuất, ta sẽ sử dụng 2 bảng tiêu chuẩn AQL (ảnh dưới).

Các bảng tiêu chuẩn AQL sẽ giúp xác định số lượng mẫu cần kiểm định, tiếp đến là giới hạn số lượng mẫu có thể bị lỗi (dựa trên tỷ lệ lỗi cho phép trên tổng sản lượng). 

bảng tiêu chuẩn AQL 1
Bảng AQL 1
bảng tiêu chuẩn AQL 2
Bảng AQL 2

Hướng dẫn cách sử dụng bảng AQL

Bảng 1

  • Lot or batch size – Kích thước lô hàng: Thể hiện số lượng sản phẩm ra lò sau một chu kỳ sản xuất. 
  • Inspection level – Mức độ kiểm định: Chi tiết mức độ kiểm tra chất lượng được thực hiện trên lô hàng hiện có. Mức kiểm định được chia thành 2 loại hình: Special inspection (kiểm định đặc biệt) và general inspection (kiểm định thông thường), tiếp tục phân thành các phân cấp độ sâu hơn. 
  • Sample size code – Mã kích thước của mẫu sản phẩm: Đây là chữ cái đại diện cho sự kết hợp của cả kích thước lô hàng và mức độ kiểm định. Chẳng hạn, nếu lô hàng 8000 sản phẩm được kiểm định theo loại hình thông thường thuộc cấp độ II, mã kích thước mẫu tương ứng là “L”. 

Bảng 2

  • Sample size – Kích thước mẫu: Xác định số lượng mẫu sản phẩm tương ứng với lô hàng sẽ cần kiểm định. Với ví dụ mã kích thước mẫu “L” như trên, ta sẽ tìm ra kích thước mẫu là 200 đơn vị. 
  • Acceptable quality levels – Mức chất lượng chấp nhận được: Chi tiết về tỷ lệ phần trăm AQL dành cho lô hàng hiện tại. Chẳng hạn, với cùng ví dụ trên (lô hàng 8000 sản phẩm, kiểm định 200 mẫu, AQL đạt 1%), số lượng mẫu có thể bị lỗi là 5 sản phẩm. Nếu có nhiều hơn 5 mẫu gặp lỗi, đơn hàng sẽ bị hủy bỏ.

ĐỌC THÊM:


Biện pháp xử lý khi vượt quá giới hạn AQL 

Thông thường, đơn hàng liên quan đến lô sản phẩm không đạt AQL (do số lượng sản phẩm bị lỗi vượt mức giới hạn) sẽ bị hủy, tạm thời không được thông qua khâu kiểm định và chuyển tiếp xác giai đoạn hoàn thiện, vận chuyển… Tuy nhiên, quyết định xử lý cụ thể còn tùy thuộc vào quy định của hợp đồng sản xuất.

kiểm định chất lượng sản xuất

Trong hầu hết các trường hợp, doanh nghiệp sản xuất hoặc nhà thầu phụ sẽ phải tự bỏ ra thêm chi phí và nguồn lực để khắc phục tình hình. Cách làm phổ biến nhất là sản xuất một lô hàng mới với hy vọng đáp ứng tiêu chuẩn AQL. 

Trong trường hợp chi phí tái sản xuất cao, phương án hợp lý sẽ là kiểm tra từng sản phẩm riêng lẻ, loại bỏ những mẫu gặp lỗi, sau đó sản xuất bù để hoàn thiện đơn hàng. 

Mặt khác, nếu việc tái sản xuất lô hàng không tốn nhiều chi phí, doanh nghiệp có thể cân nhắc loại bỏ toàn bộ đơn hàng hoặc kết hợp tái chế.