Chỉ số OEE là gì? Cách tính OEE trong sản xuất (2 công thức)
OEE (Overall Equipment Effectiveness – hiệu suất thiết bị tổng thể) là một tiêu chuẩn đo lường tỷ lệ hiệu quả từ quy trình sản xuất, đồng thời phản ánh năng suất và chất lượng thiết bị trong doanh nghiệp. Chỉ số OEE đạt 100% đồng nghĩa với việc công ty đang sản xuất ra thành phẩm chất lượng cao tuyệt đối, thời gian sản xuất ngắn ở mức lý tưởng, và không gặp sự cố thiết bị nào gây trì hoãn quy trình.
Cách tính OEE (công thức nguyên bản & tinh gọn)
Bằng cách liên hệ và kết nối giữa các chỉ số về Availability (chỉ số khả dụng), Performance (hiệu suất), và Quality (chất lượng), OEE đã tạo ra một công thức tính toán nhằm đánh giá quy trình, xem xét mức độ thất thoát tài nguyên, và khắc phục nhiều điểm yếu liên quan đến khả năng vận hành thiết bị.
Dưới đây là nguyên tắc tính giá trị cụ thể cho 3 yếu tố cấu thành nên công thức trên, trước khi cùng tổng hợp lại để xác định OEE.
Cách tính Availability
Availability là khái niệm đại diện cho trạng thái chỉ số khả dụng của máy móc và thiết bị trong kế hoạch và quy trình sản xuất.
Thiết bị hoạt động ổn định đồng nghĩa với việc giá trị sản xuất sẽ được tạo ra, phục vụ nhu cầu của người dùng cuối. Ngược lại, nếu tình trạng thiết bị không khả dụng (do hỏng hóc hoặc sự cố ngoài ý muốn…), sẽ không có giá trị nào được sinh ra từ đó cả, thậm chí còn kéo theo chi phí xử lý phát sinh.
Khi đối chiếu thời gian hoạt động dự kiến với thời gian hoạt động thực tế của thiết bị, doanh nghiệp sẽ xác định được mức độ chênh lệch – tương đương với giá trị sản xuất bị thất thoát trên thực tế.
Từ đó, ta có công thức tính mức độ khả dụng của thiết bị:
Availability = Run Time / Planned Production Time x 100%
hay (Chỉ số khả dụng) = (Thời gian sản xuất thực tế) / (Thời gian sản xuất dự kiến) x 100%
Trong đó: (Thời gian sản xuất thực tế) = (Thời gian sản xuất dự kiến) – (Thời gian thất thoát do sự cố)
Cách tính Performance
Performance được tính toán theo tỷ lệ chênh lệch giữa hiệu suất lý tưởng so với hiệu suất thực tế, dựa trên ngưỡng thời gian hoàn thành một chu kỳ sản xuất.
Công thức tính hiệu suất quy trình:
Performance = (Ideal Cycle Time × Total Count) / Run Time x 100%
hay (Chỉ số hiệu suất) = (Thời gian lý tưởng hoàn thành một chu kỳ sản xuất) x (Tổng sản lượng) / (Thời gian sản xuất thực tế) x 100%
Cách tính Quality
Chỉ số Quality sẽ nhận diện tỷ lệ giữa sản phẩm chất lượng tốt so với sản phẩm chưa đạt yêu cầu, từ đó liên hệ đến giá trị thực sự của thời gian sản xuất tương ứng theo từng loại.
Công thức tính chất lượng:
Quality = Good Count / Total Count x 100%
hay (Chỉ số chất lượng) = (Số lượng sản phẩm hoàn thiện tốt) / (Tổng sản lượng) x 100%
Sau khi đã xác định được giá trị của 3 yếu tố trên, ta có công thức tính chỉ số OEE nguyên bản:
OEE = Availability x Performance x Quality
Mặt khác, nếu diễn giải sâu hơn theo từng thành phần tính toán cụ thể của Availability, Performance và Quality, công thức OEE sẽ trở nên tinh gọn hơn:
OEE = (Good Count × Ideal Cycle Time) / Planned Production Time
hay OEE = (Số lượng sản phẩm hoàn thiện tốt) x (Thời gian lý tưởng hoàn thành một chu kỳ sản xuất) / (Thời gian sản xuất dự kiến)
Ví dụ về cách tính OEE trong doanh nghiệp
Dưới đây là bảng thông tin số liệu giả thuyết về một ca làm trong nhà máy sản xuất:
Hạng mục | Giá trị |
---|---|
Thời lượng ca làm (Shift Length) | 8h (480 phút) |
Tổng thời gian giải lao (Breaks) | 60 phút |
Thời gian chết (Downtime) | 47 phút |
Thời gian lý tưởng hoàn thành một chu kỳ sản xuất (Ideal Cycle Time) | 1 giây |
Tổng sản lượng (Total Count) | 19271 sản phẩm |
Số lượng sản phẩm hoàn thiện tốt (Good Count) | 18848 sản phẩm |
Dựa vào công thức đã định sẵn, ta sẽ tính ra được những yếu tố sau:
- Thời gian sản xuất dự kiến (planned production time) = 480 – 60 = 420 phút = 25200 giây
- Thời gian sản xuất thực tế (run time) = 420 – 47 = 373 phút = 22380 giây
- Chỉ số khả dụng (availability) = 373 / 420 x 100% = 88,81%
- Chỉ số hiệu suất (performance) = 1 x 19.271 / 22380 x 100% = 86,11%
- Chỉ số chất lượng (quality) = 18848 / 1271 x 100% = 97,8%
Tổng hợp lại theo công thức tính OEE (2 phiên bản):
- Công thức nguyên bản: OEE = 88,81% × 86,11% × 97,8% = 74,79%
- Công thức tinh gọn: OEE = (18848 x 1) / 25200 = 0,7479 (74,79%)
Như vậy, chỉ số OEE cho trường hợp trên đạt mức 74,79%.
ĐỌC THÊM:
- Ý nghĩa của từng ngưỡng điểm OEE trong sản xuất doanh nghiệp
- 4 lợi ích tuyệt vời từ phân tích OEE tự động trong sản xuất
- 5 bước áp dụng OEE thành công vào hệ thống doanh nghiệp
Tác dụng nhờ phân tích chỉ số OEE trong doanh nghiệp sản xuất
Duy trì năng suất ổn định
Đối với ngành sản xuất, việc đảm bảo tiến trình sản xuất luôn diễn ra ổn định là ưu tiên hàng đầu. Dù mô hình kinh doanh là B2B hay B2C, nhu cầu tìm mua sản phẩm chất lượng và đáp ứng kỳ vọng của khách hàng là mục tiêu tối thượng cần hướng tới.
Khi tích hợp các công nghệ tính toán và đề xuất phương án dựa trên OEE, doanh nghiệp sẽ nắm bắt được thêm nhiều cơ hội để tối ưu hóa hiệu quả sản xuất và quy trình điều hành.
Tăng cường hiệu suất
Một hệ thống quản lý OEE tự động (tích hợp cùng ERP hay MES) sẽ là cánh tay phải trong việc theo dõi hiệu suất doanh nghiệp, bao gồm cập nhật tiến trình cho lãnh đạo và trưởng bộ phận theo thời gian thực, đồng thời trích xuất dữ liệu để phân tích chuyên sâu.
Trực quan hóa dữ liệu
Các số liệu đo lường từ OEE sẽ phục vụ doanh nghiệp trong công tác tối ưu quy trình, khắc phục nhược điểm và cải thiện hiệu quả cho những chu kỳ sản xuất tiếp theo. Ngoài ra, dữ liệu khi được trực quan hóa cũng giúp diễn giải tốt hơn về tình hình kinh doanh và công tác điều hành liên quan khác, như quản lý nhân lực, vật tư, tiện ích…
Củng cố tiềm lực cạnh tranh
Khi đối chiếu hiệu quả với những đối thủ khác trên thị trường, số liệu từ OEE sẽ cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích nhằm giảm chi phí, tăng doanh thu, và hoàn thiện chất lượng sản phẩm ngày một tốt hơn.
Tối ưu chi phí vận hành máy móc
Trang thiết bị sản xuất chiếm một phần không nhỏ từ ngân sách vận hành của doanh nghiệp, nên sẽ thật đáng tiếc nếu chúng không được tận dụng đúng cách và triệt để. Với số liệu theo dõi từ OEE, công ty sẽ dễ dàng nhận biết vấn đề cản trở hiệu suất vốn có của máy móc, từ đó triển khai khắc phục sự cố nhanh chóng để tăng trưởng thành tích lợi nhuận.
Cải thiện tỷ suất hoàn vốn (ROI) & lập kế hoạch
Một trong những vai trò của OEE là tối ưu hiệu quả thiết bị, tức tối ưu năng suất ổn định theo thời gian, qua đó tăng cường tỷ suất hoàn vốn trên cùng chi phí bỏ ra ban đầu. Hơn nữa, dữ liệu OEE cũng có thể được sử dụng cho các kế hoạch sản xuất tiếp theo.
ĐỌC THÊM: