6 lý do chuyển đổi số thường thất bại ở quy mô doanh nghiệp
Quá trình chuyển đổi số diễn ra trong doanh nghiệp là quyết định lớn, gây tác động tới mọi khía cạnh vận hành trong tổ chức. Bước tiến này sẽ giúp hoàn thiện quy trình quản lý, tối ưu hóa hiệu suất, thu nạp thêm nhiều góc nhìn sâu sắc về khách hàng, đồng thời tạo tiền đề cho những chặng đường phát triển kinh doanh mạnh mẽ hơn.
Tiềm năng to lớn là vậy, nhưng không phải công ty nào cũng sẵn sàng, hoặc đủ khả năng triển khai chuyển đổi số thành công như kỳ vọng!
Bài viết này sẽ tổng hợp 6 khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số trong doanh nghiệp, giúp các cấp lãnh đạo có một cái nhìn rõ nét hơn trước khi đưa ra quyết định quan trọng này.
1. Tâm lý ngại thay đổi
Tưởng chừng như đây chỉ là một yếu tố nhỏ, nhưng tâm lý nhân sự nội bộ lại là một trong những lý do hàng đầu khiến chuyển đổi số thất bại.
Thực chất, không phải nhân sự nào cũng nhiệt tình sốt sắng với bước thay đổi lớn này, kể cả khi họ hoàn toàn hiểu và công nhận tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp. Điều này có thể xảy ra ở cả cấp quản lý và nhân viên dưới quyền, không phân biệt vị trí và thâm niên.
Chẳng hạn, các công cụ và giải pháp mới được giới thiệu nhằm hỗ trợ công việc, nhưng không nhận được nhiều hưởng ứng, một phần do thay đổi nhịp độ của quy trình vốn có, hoặc thiếu kỹ năng làm quen và vận hành công nghệ. Những hành vi ngại thay đổi nhỏ lẻ này sẽ tích tiểu thành đại, dần dần tạo ra chướng ngại lớn gây đình trệ tốc độ chuyển đổi số.
Để xử lý triệt để, các cấp quản lý cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá với toàn bộ đội ngũ nhân sự về các vấn đề phát sinh. Tùy bối cảnh mà lãnh đạo cần tìm ra các biện pháp giao tiếp hiệu quả, thể hiện thái độ cởi mở, tích cực, giúp nhân viên hiểu rõ tầm nhìn thực tiễn và lợi ích theo sau.
2. Rào cản giao tiếp & nguồn lực
Không phải tự nhiên mà rất nhiều doanh nghiệp, tuy hiểu rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, nhưng vẫn tiếp thu chậm trễ, không chịu thay đổi. Thậm chí, họ không ngại gắn bó với hệ thống cũ hàng chục năm tuổi và thiếu tương thích với xu hướng công nghệ mới của ngành.
Nguyên nhân lớn nhất nằm ở giới hạn nguồn lực – tài chính hoặc thời gian – không đủ để đổi mới toàn bộ quy trình một cách tinh gọn và nhanh chóng. Các cấp quản lý thường mất thời gian cân nhắc ngân sách và tính toán tỷ suất hoàn vốn (ROI) trước khi quyết định. Ngoài ra, một phần rào cản cũng đến từ tâm lý ngại thay đổi như đề cập ở phần trước.
Tương tự, cách tốt nhất để giải quyết khó khăn này là đặt ra KPI rõ ràng để cân bằng giữa nhu cầu và kết quả, trao đổi rõ ràng với toàn bộ đội ngũ nhân viên, nhấn mạnh lợi ích cải thiện hiệu suất công việc về lâu dài. Trên hết, quy trình đào tạo và hướng dẫn chuyển đổi số cũng cần được lên kế hoạch và thực thi chuẩn chỉnh, kết hợp ghi nhận ý kiến đóng góp từ cả 2 chiều.
3. Quá nhiều định hướng & giải pháp
Trong trường hợp đẩy đủ nguồn lực, nhiều doanh nghiệp vẫn lao đao khi tiến hành chuyển đổi số vì… không biết chọn định hướng phù hợp. Công nghệ liên quan đầy rẫy trên thị trường, nhưng để tìm ra giải pháp phù hợp cải tiến và thay thế hoàn toàn quy trình cũ thì chưa chắc dễ dàng
Cách xử lý an toàn nhất là thực hiện nghiên cứu và thẩm định chuyên sâu về điều kiện, yêu cầu và mục tiêu cốt lõi của doanh nghiệp. Từ đó, các cấp quản lý cần liên hệ với tính năng tương ứng, bao hàm nhiều góc độ như khả năng tích hợp và nhân rộng, tính năng đa dạng, thân thiện với người dùng, chi phí tiêu hao…
4. Rủi ro bảo mật thông tin
Bảo mật thông tin là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với mọi tổ chức doanh nghiệp. Khía cạnh này càng được nhấn mạnh hơn bao giờ hết khi nhắc tới chuyển đổi số, với đặc trưng tích hợp và lưu trữ dữ liệu đồng bộ trên cùng một nền tảng.
Chính vì vậy, mỗi công ty nên có bộ phận chịu trách nhiệm về đánh giá rủi ro và thiết lập chính sách bảo mật, kết hợp đào tạo nhân sự và dự liệu các phương án đối phó khi tình huống xấu xảy ra.
Theo một báo cáo từ World Economic Forum, tỷ lệ tội phạm công nghệ thông tin trên toàn cầu đang ngày một gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ tinh vi, khiến xu hướng cải tiến biện pháp an ninh mạng được coi trọng hơn bao giờ hết. Nếu không chịu thay đổi, rất có thể một ngày doanh nghiệp sẽ bị rò rỉ bí mật kinh doanh hoặc dữ liệu cá nhân của khách hàng.
5. Thị hiếu khách hàng thay đổi
Việc khách hàng dịch chuyển nhu cầu và thị hiếu dành cho sản phẩm có thể là con dao hai lưỡi, trở thành yếu tố cản trở quá trình chuyển đổi số.
Một mặt, việc này giúp các doanh nghiệp tìm ra cơ hội kinh doanh mới, hoặc phát triển nên tệp khách hàng mới.
Mặt khác, nếu xảy ra đúng lúc quá trình chuyển đổi số đang diễn ra, nó có thể làm chậm tiến độ thích nghi, cản trở tiếp thu thay đổi mới. Hơn nữa, vấn đề về trải nghiệm khách hàng cũng dễ phát sinh nếu hoạt động kinh doanh và kết nối người dùng được thực hiện trên đa nền tảng (online, offline, mạng xã hội, website…).
Để giải quyết tình trạng này, các giải pháp công nghệ chuyển đổi số nên sở hữu khả năng phân tích dữ liệu kết hợp tự động hóa quy trình (từ AI) nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro “nghẽn” quy trình trong thời gian dài, giúp nhanh chóng điều chỉnh theo mọi thay đổi.
6. Đứt gãy trong quản lý dữ liệu
Nếu coi chuyển đổi số là tên lửa giúp doanh nghiệp vươn lên tầm cao mới, thì dữ liệu sẽ là động cơ thúc đẩy bước tiến này – đặc biệt là dữ liệu về thói quen, hành vi và xu hướng tiêu dùng của khách hàng.
Một quy trình quản lý dữ liệu hiệu quả sẽ mang lại ưu điểm cực lớn cả trước, trong và sau giai đoạn tiến hành chuyển đổi số. Ngược lại, quản lý dữ liệu không tốt sẽ gây nhiều rủi ro về chiến lược kinh doanh và tỷ lệ giữ chân người dùng.
Để phòng ngừa viễn cảnh tiêu cực, mọi thông tin và dữ liệu phải được thông qua các quy trình thống nhất về thu thập, lưu trữ, phân tích và xử lý, song song với các tiêu chuẩn về bảo mật. Đây chắc chắn không phải việc dễ, và cũng ngốn cực kỳ nhiều thời gian cùng chất xám.
May mắn thay, số lượng các công cụ phân tích và quản lý dữ liệu đang ngày một tăng lên, triển khai theo nhiều hình thức đa dạng. Nếu chưa sẵn sàng tạo ra hoặc sở hữu một hệ thống quản lý dữ liệu nội bộ của riêng mình, các doanh nghiệp có thể tìm và kết nối với đối tác giải pháp bên ngoài, cùng nhau hợp sức giải quyết khó khăn trong chuyển đổi số và chinh phục chặng đường tiếp theo.