5 bước áp dụng OEE thành công vào hệ thống doanh nghiệp 

Trong những bài viết trước, chúng ta đã hiểu rõ được khái niệm về chỉ số OEE và những lợi ích khi sở hữu một hệ thống phân tích OEE tự động trong sản xuất

Nay, hãy cùng khám phá 5 bước mà mọi doanh nghiệp có thể làm theo nếu muốn tích hợp thành công hệ thống đo lường OEE vào quy trình hiện tại – hứa hẹn sẽ tạo tiền đề cho hàng loạt đổi mới về năng lực sản xuất và quyết định chiến lược đường dài.

áp dụng đo lường chỉ số OEE

1. Đồng bộ hóa tiêu chuẩn đo lường 

Đây là vấn đề ít khi được nhắc tới trong các tài liệu tổng quan về OEE, nhưng sự thật là các bộ phận khác nhau trong cùngmột doanh nghiệp đôi khi lại sử dụng những quy chuẩn khác nhau để tính toán thông số sản xuất. 

Do đó, các cấp lãnh đạo cần tìm hiểu triệt để, thống nhất tiêu chuẩn đo lường chung về quy trình cốt lõi và phạm vi số liệu của máy móc trước khi bắt tay vào tích hợp OEE. 

2. Thử nghiệm theo quy mô nhỏ 

Khi bắt đầu áp dụng bất kỳ một ý tưởng mới nào liên quan đến quy trình sản xuất vốn có, khuyến nghị tốt nhất luôn là khởi động ở quy mô nhỏ. Đối với OEE, doanh nghiệp nên áp dụng thử nghiệm cho một đơn vị máy móc, hoặc dây chuyền phục vụ một sản phẩm nhất định, ít ảnh hưởng bởi yếu tố khách quan. 

Nếu quyết định vội vã và nóng lòng tích hợp cho toàn hệ thống, công ty sẽ dễ rơi vào tình cảnh xung đột kết quả dữ liệu, thiếu chính xác, không đem lại kết quả phản ánh đúng thực tế. 

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên cân nhắc cả về yếu tố phòng ban phụ trách liên quan. Bộ phận này cần có những người mang tinh thần cầu thị, sẵn sàng lắng nghe và đón nhận đổi mới. Qua đó, quá trình thử nghiệm áp dụng OEE sẽ diễn ra suôn sẻ hơn, và nếu thành công, họ sẽ là những người giúp lan truyền ảnh hưởng tích cực lên những nhân sự khác. 

3. Chọn phương pháp đo lường OEE 

OEE có thể được đo lường theo 2 phương pháp: Thủ công và tự động. 

Dù lợi ích của OEE tự động là không thể chối cãi, việc ghi nhận số liệu OEE thủ công trong giai đoạn mới thử nghiệm đôi khi lại tốt hơn. Cách này giúp doanh nghiệp từng bước sâu sát thực hiện quy trình thống kê và phân tích, từ đó hiểu rõ khái niệm và các điều kiện cần thiết đi kèm. 

Sau khi nắm rõ các yếu tố cốt lõi, việc nâng cấp tích hợp hệ thống phân tích OEE tự động sẽ phù hợp và tối ưu hơn.

áp dụng đo lường dữ liệu OEE

4. Tiến hành tính toán OEE 

Công thức tính toán OEE tinh gọn sẽ liên quan mật thiết tới: 

  • Số lượng sản phẩm hoàn thiện tốt (Good count) 
  • Thời gian lý tưởng hoàn thành một chu kỳ sản xuất (Ideal cycle time) 
  • Thời gian sản xuất dự kiến (Planned production time) 

Trong đó: OEE = (Good Count × Ideal Cycle Time) / Planned Production Time   

Hoặc áp dụng tính OEE theo công thức nguyên bản: OEE = Availability x Performance x Quality 

Bạn có thể tham khảo chi tiết bài viết về cách tính toán chỉ số OEE dành cho cả 2 công thức trên. 

5. Cải tiến dựa trên dữ liệu OEE 

OEE chỉ giống như một công cụ hỗ trợ quản lý và phân tích, chứ không nghiễm nhiên giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn. Vì vậy, khi đã thu thập đầy đủ dữ liệu OEE, bước tiếp theo cần làm là tiến hành phân tích và rút ra phương hướng phát triển. 

Kết hợp với chỉ tiêu kinh doanh được định sẵn, OEE sẽ giúp bạn xác định khoảng thất thoát tài nguyên (nguồn lực, hiệu suất hoặc thời gian sản xuất). Từ đó, công ty sẽ biết đâu là bộ phận đang gặp vấn đề, mắt xích nào bị nghẽn trong quy trình, hay phân mảng nào có tiềm năng bứt phá khả quan nhất nếu được tập trung cải tiến dựa vào dữ liệu OEE. Cuối cùng, luôn nhớ rằng quá trình cải thiện OEE song hành cùng thành tích sản xuất là cả một chặng đường dài, liên tục lặp đi lặp lại, không ngừng tối ưu.


READ MORE: